Theo số liệu của Liên minh Thiên văn Quốc tế (IAU) công bố năm 1985, siêu hố đen ở trung tâm Dải Ngân hà được đặt tên là Sagittarius A*, có khối lượng gấp khoảng 4 triệu lần Mặt trời và cách Trái đất khoảng 26.000 năm ánh sáng.
Nhưng nghiên cứu mới đây sau khi định vị lại hệ Mặt Trời cho thấy Sagittarius A* gần Trái đất gần 2.000 năm so với số liệu của IAU. Khoảng cách giữa chúng ta và siêu hố đen này là 25.800 năm ánh sáng.
Hình ảnh chụp lại các đám khí xoáy bên ngoài Sagittarius A*. (Ảnh: L. Calçada)
Tuy nhiên, các nhà khoa học tới từ dự án VERA của Nhật Bản trấn an rằng, điều này không đồng nghĩa Sagittarius A* đang hút Trái đất.
Với VERA, các nhà khoa học thực hiện các phép đo chính xác về kích thước, vị trí và vận tốc quỹ đạo của các ngôi sao - tốc độ chúng quay quanh trung tâm thiên hà. Các bản đồ thu được có thể làm sáng tỏ các chi tiết của Dải Ngân hà của chúng ta và các ngôi sao trong đó.
"Các nhà nghiên cứu hiện đã có thể đo khoảng cách của các ngôi sao ở xa hơn và cách hệ Mặt trời của chúng ta 30.000 năm ánh sáng", Giáo sư Tomoya Hirota - trưởng nhóm phân tích dữ liệu tại VERA, cho biết.
Hơn nữa, hệ Mặt trời của chúng ta đang di chuyển với tốc độ 227 km/s, nhanh hơn tốc độ được ghi lại trước đó là 220 km/s.
Các phép đo của VERA được cho là chính xác hơn các phép đo trước đây vì sử dụng công nghệ tiên tiến hơn và hiệu chỉnh các bầu khí quyển của Trái đất làm mờ các phép đo trước đó.
Những phát hiện mới đây được đánh giá là hết sức quan trọng trong việc giải đáp một số bí ẩn lâu đời nhất trong thiên văn học.
“Những kết quả này có thể được sử dụng để ước tính các thông số thiên văn khác như sự phân bố của vật chất tối và mật độ của nó xung quanh hệ Mặt trời và thậm chí có thể giúp các nhà khoa học dự đoán tần suất chúng ta nhìn thấy các hạt vật chất tối giả định, nếu chúng tồn tại”, ông Hirota cho hay.