Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Khó khăn trong công tác điều tra, xử lý hoạt động tội phạm cho vay lãi nặng

Đó là lời khẳng định của đại diện Đội Phòng ngừa và đấu tranh tội phạm có tổ chức Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM.

Phương thức, thủ đoạn tinh vi

Trong buổi làm việc với PV VTC News, một cán bộ thuộc Đội Phòng ngừa và đấu tranh tội phạm có tổ chức (Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM) trao đổi thêm về tình hình, diễn biến, thực trạng hoạt động tội phạm “Cho vay lãi nặng”, trong đó bao gồm cả hoạt động của tín dụng đen núp bóng công ty tài chính (CTTC).

Cùng với các tổ chức tín dụng đen núp bóng các tiệm cầm đồ, gần đây trên địa bàn thành phố xuất hiện các CTTC. Đặc biệt, nhiều nhóm đối tượng cho vay và đứng ra thành lập công ty cho vay có tiền án, tiền sự nguồn gốc từ miền Bắc vào. Chúng thường kết hợp và thuê các công ty, tổ chức chuyên đòi nợ thuê đối với các con nợ khó đòi.

 Nhân viên CTTC tư vấn cho khách hàng (Ảnh minh họa)

Thủ đoạn của các đối tượng này tinh vi, từ việc chọn địa điểm ăn ở cho đội quân chuyên đi thu nợ thường là các căn hộ chung cư cao tầng có bảo vệ, sử dụng thẻ từ… nhằm tránh sự theo dõi, phát hiện của lực lượng công an.

Ngoài việc dán các tờ rơi tại các địa điểm tập trung đông người như chợ, siêu thị, trường học, các khu công nghiệp, các khu nhà trọ…, các CTTC còn được phép quảng cáo trên các trang mạng điện tử (website) tạo lòng  tin, uy tín với khách hàng.

Đối với khách hàng không có tài sản, thu nhập thấp hoặc không ổn định,không có trình độ,  thiếu hiểu biết pháp luật các đối tượng cho vay ít, thường vài triệu đến vài chục triệu. Khách hàng nếu có tài sản giá trị như nhà, xe thì được vay giá trị lớn hơn, tương ứng với tài sản thế chấp.

Để đối phó với pháp luật, tránh bị phát hiện và xử lý về hành vi cho vay lãi nặng, các tổ chức tín dụng đen hoặc núp bóng đều có chung phương thức là che giấu, biến tướng bằng cách không thể hiện lãi suất cho vay trong hợp đồng hoặc giấy vay tiền.

Người vay ký giấy bán xe, nhà đất đồng thời ký hợp đồng thuê lại tài sản đã ký giấy bán. Số tiền thuê tài sản chính là số tiền lãi và gốc đã vay. Nếu người vay không trả được nợ đúng hạn, bọn chúng cho người đến gây áp lực buộc giao tài sản để cấn trừ nợ…

Mục đích của các đối tượng cho vay chính là nhằm đối phó, che giấu hành vi phạm tội nếu bị lực lượng công an phát hiện. Khi đó các đối tượng sẽ trình ra các hợp đồng đã ký với con nợ chứng minh đây chỉ là các giao dịch dân sự thông thường, không có nội dung thể hiện việc cho vay lãi nặng. Đây là một trong nhiều thủ đoạn gây nhiều khó khăn cho cơ quan cảnh sát điều tra khi chứng minh tội phạm.

Người vay không hợp tác, khung hình phạt nhẹ không mang tính răn đe

Khi được hỏi tại sao biết bị “sập bẫy” tín dụng đen mà nhiều người vẫn không đứng ra tố cáo, vị cán bộ đội Phòng ngừa và đấu tranh tội phạm có tổ chức cho biết: Mặc dù bị các đối tượng đe dọa khi không trả được khoản nợ đúng kỳ hạn, nhưng đa số người vay thấy đối tượng quá hung bạo, manh động… nên sợ bị trả thù, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của bản thân và gia đình mà không trình báo công an.

Mặt khác họ sợ bị phiền phức khi hợp tác với công an phải đi lại nhiều lần, ảnh hưởng đến công ăn việc làm; sợ phải đối chứng với đối tượng khi tòa án xét xử. Những người vay số  tiền ít lại càng không chịu trình báo, hợp tác, không cung cấp các chứng cứ liên quan đến hành vi đe dọa như các tin nhắn, các cuộc gọi… vì muốn tự thu xếp trả nợ cho xong.

Nhan nhản tờ rơi quảng cáo cho vay vốn dán khắp mọi nơi 

Về các quy định của pháp luật đối với tội phạm “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, khung hình phạt quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) hiện thấp nhất là phạt tiền 50 triệu đồng, cao nhất chỉ phạt 3 năm tù giam.

Hình phạt được xem là quá nhẹ, không mang tính răn đe cao, các đối tượng cho vay lãi nặng xem thường, không sợ pháp luật. Vì vậy, tín dụng đen nói chung, tín dụng đen núp bóng CTTC có chiều hướng mở rộng hoạt động trên nhiều địa bàn…

Mặc dù có những khó khăn nhất định trong công tác quản lý, giám sát, theo dõi, điều tra, xử lý các đối tượng cho vay lãi nặng; tuy nhiên bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an thành phố vẫn tăng cường dựng hồ sơ, theo dõi hoạt động, khoanh vùng các đối tượng.

Phối hợp với công an các quận, huyện phát hiện, đấu tranh và xử lý kịp thời các vụ việc; hạn chế thấp nhất tình hình mất an ninh trật tự, các vụ việc hình sự từ hoạt động tín dụng đen; đồng thời kêu gọi, tuyên truyền người dân cân nhắc trước khi vay vốn của các tổ chức này, phối hợp với cơ quan công an các địa phương trong quá trình đấu tranh, truy xét, xử lý những hành vi cho vay lãi nặng như đã nêu.

Phương Thảo

Tin mới