Theo các chuyên gia, thời gian qua Hà Nội liên tục phát hiện ổ dịch mới và ca mới trong cộng đồng nhưng đến nay chiến lược chống dịch của thành phố vẫn đi đúng hướng. TP.HCM cũng vậy, dù số ca mắc còn cao với số ca bệnh mỗi ngày ở mức 4 con số, song đang có tín hiệu tốt khi số F0 trên biểu đồ dịch COVID-19 đi ngang. Nếu lực lượng phòng, chống dịch thực hiện nghiêm các giải pháp cùng sự ủng hộ, chấp thuận của người dân thì tình hình dịch bệnh sẽ sớm ổn định.
Hà Nội dập dịch sau 15 ngày?
Trong đợt dịch thứ 4, từ ngày 27/4 đến nay Hà Nội ghi nhận số người mắc COVID-19 lên đến 1.100. Trong đó số ca ghi nhận ngoài cộng đồng là 663, số ca được cách ly là 437. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Chuyên gia cố vấn ở Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Hà Nội vẫn luôn thường trực nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng. Trong đó nguồn lây từ các ca bệnh xâm nhập bên ngoài vào, như người dân ở nơi khác về Hà Nội công tác, sinh sống rồi vô tình có thể mang mầm bệnh. Hiện Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nên mối nguy này đang được kiểm soát rất tốt.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Chuyên gia cố vấn ở Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.
Hà Nội cũng cần lưu ý trường hợp mắc bệnh được ghi nhận trong các cơ sở y tế. Thực tế chứng minh đợt dịch lần này ghi nhận ca mắc ở bệnh viện như Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương… Do thực hiện công tác khoanh vùng nhanh, gọn và chính xác, đến nay các ổ dịch này không quá lo ngại.
Theo ông Phu, vấn đề đáng lo nhất là thành phố vẫn còn ca bệnh lẩn khuất ngoài cộng đồng. Nhóm đối tượng này khá phức tạp, bởi không phải ai cũng có triệu chứng, không kiểm soát tốt Hà Nội sẽ phát sinh thêm những ổ dịch mới, gây khó khăn cho phòng chống dịch.
Tuy nguy cơ cao, nhưng vị chuyên gia nhận định, Hà Nội đang đi đúng hướng và khoa học trong tổ chức xét nghiệm sàng lọc tất cả người ho, sốt trên địa bàn, vì vậy thành phố đã phần nào kiểm soát được các ổ dịch, không để lây lan rộng. Thông qua việc này, Hà Nội cũng phát hiện được sớm ca bệnh trong cộng đồng, qua đó khoanh vùng, truy vết thần tốc và nhanh chóng, kịp thời dập tắt ổ dịch.
Về lo lắng số người dương tính ở Hà Nội tăng cao, ông Phu nêu quan điểm, sau khi giãn cách, số bệnh nhân tăng nhẹ là do thành phố tăng cường truy vết quyết liệt và xét nghiệm sàng lọc nhằm phát hiện trường hợp còn lẩn khuất trong cộng đồng.
Số ca COVID-19 Hà Nội trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, theo số liệu CDC Hà Nội. (Biểu đồ: Hà Cường)
"Số ca này tăng không quá lo ngại. Điều này thể hiện công tác truy vết, rà soát của Hà Nội đang có hiệu quả. Mặt khác, đây là trường hợp đều thuộc diện khoanh vùng từ trước, liên quan các ca COVID-19", ông Phu nói. Nói cách khác, kể cả chúng ta đang làm tốt thì số ca mới chưa thể giảm ngay được vì thời gian ủ bệnh lên tới 14 ngày. Đây cũng là một trong nguyên nhân số ca mắc sau Chỉ thị 16 tăng hơn. Tuy nhiên, vài ngày gần đây nhờ kiểm soát tốt nên trường hợp mắc COVID-19 đang theo chiều hướng giảm.
Về ổ dịch mới phát sinh khá phức tạp ở Hà Nội như Bệnh viện Phổi Hà Nội, nhà thuốc Đức Tâm (95 Láng Hạ) hay một số ổ dịch khác, ông Phu nhận định, tất cả đều đã được cơ quan chức năng thành phố khoanh vùng gọn và “vét sạch”. Vì vậy đa phần ca mắc mới phát sinh về sau đều là F1 đã được cách ly, không có nguy cơ lây lan rộng.
Nhờ cách làm khoa học, “đi trước một bước” so với dịch, nên dù nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu song theo ông Trần Đắc Phu, Hà Nội khả năng cao sẽ kiểm soát được tình hình sau 15 ngày áp dụng Chỉ thị 16. Thời điểm này, Hà Nội nên tận dụng thời gian vàng còn lại để tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách. “Bài học từ các tỉnh thành phố giãn cách chưa nghiêm khiến virus lây lan mạnh vẫn còn đó", ông Phu nói.
Hơn lúc nào hết Hà Nội cần tiếp tục duy trì chiến lược này trong thời gian tới để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Mặt khác, đây cũng là thời điểm để thành phố tăng cường sàng lọc, qua đó phát hiện sớm các ca bệnh còn lẩn khuất trong cộng đồng, đặc biệt là các khu dân cư chật hẹp, các khu đông dân để dập tắt sớm dịch.
"Tôi hy vọng Hà Nội tận dụng thời gian vàng này và cố gắng kiểm soát được dịch sau 15 ngày giãn cách. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải chờ đánh giá nguy cơ thêm", ông Phu nói.
ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cũng cho rằng, thời gian qua, Hà Nội thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19 nên số ca không tăng quá mạnh. Ông hy vọng sau 15 ngày giãn cách, thành phố sẽ có nhiều thời gian hơn để từng bước kiểm soát được dịch bệnh.
Hiện còn 9 ngày nữa để Hà Nội sẽ hoàn thành thời gian 15 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16. Với số ca bệnh như hiện tại cùng phản ứng nhanh nhẹn, nhạy bén của hệ thống y tế, ông cho rằng Hà Nội chưa quá nghiêm trọng và quá tải. Vì vậy, thời điểm này, Hà Nội cần kiên trì với sách lược của mình để “làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa”.
Đường phố Hà Nội vắng lặng trong thời gian giãn cách xã hội. (Ảnh: P.C)
Song song với công tác khoanh vùng, dập gọn ổ dịch, Hà Nội vẫn cần tăng tốc trong truy vết, rà soát các trường hợp ca bệnh còn sót lại (nếu có) trong cộng đồng. Mặt khác, thành phố cần đẩy nhanh công tác tiêm chủng cho người dân vì đánh giá khách quan, hiện mức độ bao phủ vaccine rất thấp.
“Giãn cách là để thêm thời gian giảm bớt sự lây lan của các ổ dịch, đề phòng sự quá tải và củng cố thêm công tác phòng dịch, trong đó có tiêm vaccine. Tiêm vaccine xong cũng cần thời gian mới tạo được miễn dịch. Đó là còn chưa kể chúng ta phải tiêm đủ 2 mũi. Vì vậy, mũi 1 phải tiêm nhanh thì mới nhanh đến thời gian tiêm mũi 2. Thành phố phải đẩy nhanh hơn nữa công tác tiêm chủng, Bộ Y tế cho bao nhiêu chúng ta tiêm hết bấy nhiêu, cố gắng bao phủ thật nhiều người dân được tiêm vaccine, đặc biệt là đối tượng người già trên 65 tuổi”, ông Hà nói.
TP.HCM: Những tín hiệu đáng mừng
TP.HCM đang trong đợt dịch COVID-19 bùng phát mạnh nhất từ trước tới nay với số ca mắc mới ghi nhận mỗi ngày ở mức 4 con số. Trung bình mỗi ngày TP.HCM đều ghi nhận từ 3.000-5.000 ca COVID-19 trong 12 ngày trở lại đây.
BS Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) nhận định, số ca mắc mới cao nhưng TP.HCM vẫn chưa đạt đỉnh dịch và dịch diễn biến phức tạp trong vài ngày tới, số người mắc vẫn còn tăng cao.
Dù vậy thành phố không phát sinh ổ dịch mới. Hầu hết các ca COVID-19 được phát hiện trong khu phong tỏa, cách ly đã được giám sát, khoanh vùng. Đây là tín hiệu đáng mừng để thành phố tiến tới kiểm soát dich bệnh.
Số ca mắc COVID-19 tại TP.HCM từ 9/7 - 30/7, theo số liệu từ HCDC. (Biểu đồ: Hà Cường)
BS Tâm cũng cho biết, hơn 95% bệnh nhân COVID-19 được phát hiện qua lần xét nghiệm đầu tiên trong khu cách ly, phong tỏa, cho thấy số ca bệnh tăng là do diễn tiến của bệnh từ F1 thành F0. Nghĩa là các ca bệnh đã được cách ly từ trước chứ không phải người mắc mới ngoài cộng đồng. “Điều này cũng cho thấy không có cơ sở để khẳng định do lây nhiễm trong khu cách ly, phong tỏa”, BS Tâm nói.
TP.HCM cũng đang nỗ lực, áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế số ca mắc mới và tử vong, nhằm có thể sớm khống chế dịch bệnh. Theo đó, thành phố áp dụng nhiều biện pháp siết chặt hơn Chỉ thị 16 như từ 26/7, người dân không ra đường sau 18h, shipper phải có thẻ nhận diện mới được hoạt động và chỉ chở hàng hóa thiết yếu…
Ngay khi áp dụng biện pháp mạnh này, số ca mắc mới ở TP.HCM bắt đầu giảm, từ 6.318 ca ngày 27/7, giảm xuống hơn 4.000 ca trong ngày 28 và 29/7.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, những ngày qua thành phố đang tập trung lấy mẫu xét nghiệm vùng lõi của các ổ dịch. Với chiến dịch tách F0 ra khỏi cộng đồng, ngành y tế đến từng nhà để xét nghiệm làm cho số F0 liên tục tăng nhưng chủ yếu là trong vùng dịch.
“TP.HCM đang tập trung cho việc xét nghiệm ở khu vực trọng tâm, trọng điểm. Vùng lõi nguy cơ cao sẽ được lấy mẫu trước, sau đó mở rộng ra các khu vực bên ngoài với phương thức "đi đến từng hẻm, gõ cửa từng nhà", cả ngày lẫn đêm vì mục tiêu tầm soát cho 5 triệu dân", ông Nam nói.
Tuy nhiên, ông Nam cũng nhận định, nếu lấy hết được mẫu xét nghiệm vùng lõi ổ dịch thì thời gian tới sẽ lấy mẫu ra vòng ngoài là vòng nguy cơ. Về nguyên tắc số ca mắc mới chắc chắn sẽ giảm xuống và có thể kiểm soát dịch.
Theo BS Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM đang đi đúng hướng trong áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, thành phố đã thay đổi chiến lược xét nghiệm hợp lý hơn (xét nghiệm từng nhà, gõ từng đối tượng), vét được nhanh hơn ca F0 để tách ra khỏi cộng đồng.
“Nếu mình làm tốt xét nghiệm, cộng với việc cải thiện tầng điều trị bệnh nhân COVID-19 để giảm quá tải cho nhân viên y tế và vaccine về kịp thì hy vọng hết tháng 8 thành phố sẽ ổn”, BS Khanh nói.
BS Trương Hữu Khanh.
Tuy nhiên, theo BS Khanh, có hết dịch hay không còn phụ thuộc vào người dân và sự quyết liệt của chính quyền trong thực hiện Chỉ thị 16 để dịch không lây lan thêm. Và chính thời gian dịch không lây lan thêm là thời điểm vàng để tập trung vét, tách F0 ra khỏi cộng đồng nhằm chặn đứng dịch bệnh lây lan.
BS Khanh cho rằng, thành phố đang nỗ lực hết sức để khống chế dịch bệnh với nhiều biện pháp được triển khai, nhưng chủng virus Delta lây lan quá nhanh khiến thành phố chưa thể xoay sở kịp. Ông nhấn mạnh, để kiểm soát được dịch bệnh thì bao phủ vaccine là cách tốt nhất.
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 ở TP.HCM chiều 30/7, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, hiện nay, số ca F0 trên biểu đồ dịch COVID-19 đang đi ngang, đúng như dự đoán của ban lãnh đạo thành phố. Thành phố cũng đã ban hành nhiều biện pháp mạnh để thực hiện thật nghiêm những quy định về giãn cách xã hội.
Vì thế, ông Đức cho rằng, nếu lực lượng phòng, chống dịch thực hiện nghiêm các giải pháp đã đề ra cùng với sự ủng hộ, chấp hành của người dân thì tình hình dịch bệnh sẽ sớm ổn định.