Liên quan việc nguồn nước sinh hoạt cấp cho người dân Hải Phòng bị nhiễm mặn, sáng 21/11, thông tin với PV VTC News, ông Cao Văn Quý – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nước Hải Phòng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, độ mặn trong nước đạt ngưỡng an toàn.
Theo ông Quý, độ nhiễm mặn cao nhất trong những ngày qua lên tới khoảng 500mg/l, trong khi quy chuẩn là 250mg/l, còn ven biển là 300mg/l; gấp khoảng 50 lần so với độ mặn của nguồn nước sinh hoạt hằng ngày (10 - 20mg/l).
“Dự kiến khoảng 10 ngày nữa, độ mặn trong nước sẽ đạt mức như trước đây”, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nước Hải Phòng nói.
Dự kiến khoảng 10 ngày nữa, độ mặn trong nước trên sông Đa Độ sẽ trở lại mức bình thường. (Ảnh: Trung Kiên)
Lý giải việc nước nguồn mặn bất thường, ông Quý cho biết, trong hai ngày 17 và 18/11, độ mặn (hàm lượng muối) của nguồn nước sông Đa Độ tăng cao, đỉnh mặn kéo vượt qua cửa cống Trung Trang sông Văn Úc (qua xã Bát Trang, huyện An Lão, Hải Phòng) dẫn tới toàn bộ nước nhiễm mặn.
Thông thường, khoảng mặn (đỉnh mặn) cách cửa cống Trung Trang là 9km. Thời gian vừa qua, độ mặn của nước thô trong hệ thống thủy lợi An Kim Hải, kênh Chanh Dương và đặc biệt là sông Đa Độ tăng cao đột biến so với năm 2018 và những năm trước đây.
Qua kiểm tra, nước thô có độ mặn tăng cao là do bị nhiễm mặn từ nguồn nước bổ cập. Việc bị nhiễm mặn là hiện tượng xảy ra theo chu kỳ nhưng hiện nay tần suất đang có chiều hướng gia tăng, thời gian giữa các lần xuất hiện ngày càng rút ngắn. Đây cũng được coi là hiện tượng bất thường của việc xâm nhập mặn đang diễn biễn ngày càng phức tạp.
Cũng theo ông Quý, muối ăn xét về khoa học không có giới hạn sử dụng nào ảnh hưởng tới sức khỏe, chỉ là rất khó dùng. Người dân nếu dùng thời gian ngắn không ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Hôm qua (20/11), Công ty mời đoàn công tác Trung tâm Y tế dự phòng TP Hải Phòng đến lấy mẫu kiểm tra chất lượng nước. Qua kiểm tra, độ mặn đạt mức 100-150mg/l. Mặc dù chưa đạt mức bình thường nhưng dưới ngưỡng chỉ số theo quy chuẩn nước tại Việt Nam.
Đối với các đơn vị sản xuất công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ đặc thù tại thành phố có khả năng bị ảnh hưởng do nguồn nước nhiễm mặn, Công ty có thông báo, bố trí xe chở nước sạch cung cấp cho các đơn vị như Bệnh viện Kiến An, Công ty Dược phẩm Trung ương 3… để bảo đảm duy trì hoạt động.
Được biết, Nhà máy nước Cầu Nguyệt và Nhà máy nước Hưng Đạo phục vụ cung cấp nước tới khoảng 50 nghìn hộ dân và nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh khác tại các quận nội thành Hải Phòng. Nguồn cung cấp nước được lấy từ sông Đa Độ.
Ông Cao Văn Quý cũng cho biết thêm, sông Đa Độ là nguồn nước tốt nhất tại TP Hải Phòng đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, các chỉ tiêu nguồn nước nhiều năm nay chưa bao giờ đạt theo quy chuẩn, đặc biệt các chỉ tiêu liên quan đến chất hữu cơ… Do đó, Công ty buộc phải đầu tư nâng cấp máy móc, hóa chất để sản xuất nước đầu ra đạt quy chuẩn cấp nước cho nhân dân và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng.