Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Khi nào nên thay bộ truyền động của ô tô?

(VTC News) -

Bộ truyền động là bộ phận quan trọng quyết định nhiều đến khả năng vận hành của một chiếc xe ô tô.

Để xe hoạt động hiệu quả, nên thường xuyên bảo trì hoặc thay thế bằng một bộ truyền động mới khi có vấn đề xảy ra.

Trục truyền động ô tô là gì?

Trục truyền động hay trục láp ô tô là một thiết bị có cấu trúc hình trụ được đặt ở trong hệ thống truyền động. Bộ phận này đóng vai trò vô cùng quan trọng vì là trục trung tâm kết nối giữa bộ phận hộp số hoặc bộ vi sai của xe với những bánh ô tô, giúp cho xe có thể dễ dàng vận hành, di chuyển.

Trục ô tô sẽ thường sử dụng hai bộ phận khớp chuyển động được bao phủ bên ngoài bởi một lớp cao su để bảo vệ cho chúng khỏi bị dính phải các chất bụi bẩn đồng thời cũng chứa mỡ để bôi trơn cho khớp.

Tuy nhiên, một khi gioăng cao su bị đứt, gãy, hỏng hoặc bị tách ra khỏi khớp trục, trục truyền động lúc này sẽ không thể vận hành một cách bình thường và ảnh hưởng rất lớn đến quá trình xe hoạt động.

Để xe hoạt động hiệu quả, nên thường xuyên bảo trì hoặc thay thế bằng một bộ truyền động mới khi có vấn đề xảy ra. (Ảnh minh họa)

Khi nào nên thay bộ truyền động của ô tô?

Mặc dù các hãng xe không quy định về thời gian sử dụng và km đường để thay bộ truyền động của xe ô tô nhưng trong quá trình sử dụng, chủ phương tiện nên nhận rõ những dấu hiệu cảnh báo trục truyền động xe ô tô bị hỏng để sửa chữa, thay thế nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng xe.

Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo trục truyền động ô tô có vấn đề hỏng hóc, trục trặc:

Rò rỉ dầu mỡ hoặc chất bôi trơn

Trục truyền động ô tô kết hợp giữa các trục trượt và ổ bi, cho phép những bánh xe dẫn động trên ô tô kết nối khớp khít với nhau mà vẫn có thể tạo ra được sự kết nối bền vững, chắc chắn với đường truyền động.

Lớp cao su sẽ chứa nhiều mỡ hoặc chứa nhiều dầu nặng cần thiết để bôi trơn hiệu quả cho các bộ phận chuyển động này và cũng giúp tránh được các chất cặn, bụi bẩn, mảnh vụn.

Bất cứ khi nào bộ phận cao su bị trục trặc, hư hỏng hoặc nứt vỡ do sử dụng lâu ngày thì nhiều dầu mỡ và chất bôi trơn sẽ thoát ra, khiến bụi bẩn bám vào.

Bánh răng của trục láp xe bị gỉ sét, hao mòn

Khi ô tô khởi động sẽ xuất hiện những tiếng kêu to, lọc cọc, xe bị giật và ì máy hơn so với bình thường. Đây là dấu hiệu dễ thấy nhất khi bánh răng của trục láp xe ô tô bị mòn vẹt, gỉ sét.

Nguyên nhân chính khiến cho bộ phận này hỏng hóc, hao mòn, gỉ sét là do bị ngấm nước. Trong quá trình  ô tô di chuyển đi qua những vùng bị ngập nước, lụt lội, trời mưa hoặc việc lau rửa, chăm sóc, vệ sinh xe không đúng cách sẽ khiến cho nước tràn vào bên trong khoang láp, đọng lại trên bánh răng của ô tô.

Nếu không được kịp thời làm khô sẽ dẫn đến trình trạng oxy hóa bánh răng và trục láp sẽ hỏng hóc nhanh hơn bình thường.

Bánh răng truyền động và các khớp đồng tốc bị mòn

Những bộ phận nằm bên trong trục láp như là bánh răng, những khớp đồng tốc khi vận hành, hoạt động sẽ phải chịu những áp lực lớn liên tục đến từ lực ma sát cũng như trọng tải xe lớn.

Mặc dù trục truyền động của ô tô làm từ các loại vật liệu tốt, có độ bền cao, sau một khoảng thời gian dài vận hành hoạt động liên tục sẽ khó tránh khỏi tình trạng bị xuống cấp do mài mòn và xảy ra hỏng hóc.

Đặc biệt, tình trạng này càng dễ xảy ra hơn nếu bộ phận này không được chủ xe bảo dưỡng, quan tâm bôi trơn đúng cách hoặc trong dầu bôi trơn có bị lẫn nhiều chất thải, cặn bẩn.

Khi bánh răng và các khớp đồng tốc của xe ô tô bị mài mòn sẽ dẫn đến hiện tượng có sự va chạm, cọ xát giữa những bánh răng, tạo nên những tiếng kêu lọc cọc lớn và từ đó dẫn đến tình trạng làm giảm mức công suất truyền động.

Tình trạng này nếu liên tục kéo dài, có thể gây vỡ, hỏng, mẻ bánh răng, khiến cho xe ô tô không thể di chuyển một cách bình thường. Dấu hiệu để nhận biết vấn đề trục trặc, hỏng hóc này là hiện tượng ô tô thường xuyên xuất hiện tiếng kêu khi tài xế ôm cua.

Vỏ trục truyền động bị rách

Vỏ trục truyền động được làm từ chất liệu cao su. Vì thế sau một thời gian sử dụng, vỏ trục có thể bị thủng, rách do thường xuyên cọ xát với mặt đường hoặc bị cứa vào vật sắc nhọn.

Khi vỏ trục láp đã bị thủng, xước, rách, chủ xe cần tiến hành thay vỏ mới ngay để tránh tình trạng sỏi, bùn, đất cát chui vào bên trong bộ phận ổ láp, ma sát và mài mòn hết tất cả những chi tiết nằm ở bên trong trục láp khi chúng quay.

Nên lưu ý kiểm tra bộ phận này thường xuyên để kịp thời phát hiện vấn đề vỏ trục truyền động bị hỏng, rách, xây xước.

PHẠM DUY (Tổng hợp)

Tin mới