Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Khi internet ‘thổi lửa’ thù ghét

(VTC News) -

Thế kỷ 21, ghét ai thì đăng lên mạng dường như đã trở thành một thói quen hàng ngày.

Ngày 16/10/2020, Giáo viên Pháp Samuel Paty 47 tuổi bị ám sát bên ngoài trường trung học Bois d'Aulne gần thủ đô Paris.

Nghi phạm cực đoan 18 tuổi bị cảnh sát bắn chết sau khi sát hại Paty. Trước đó, cậu ta đã cho các học sinh tiền để nhận dạng giáo viên này.

Theo truyền thông, việc Paty dạy học sinh về một số nội dung tự do ngôn luận và "báng bổ" thần thánh đã dẫn đến những lời phàn nàn và một chiến dịch trực tuyến chống lại ông. Kẻ tấn công đã nhìn thấy các nội dung đó trên mạng xã hội.

Các công tố viên tuyên bố rằng có một "mối liên hệ nguyên nhân-kết quả trực tiếp" giữa chiến dịch trực tuyến chống lại Samuel Paty và vụ giết người.

Tổng cộng có 14 người đã bị buộc tội trong vụ án, bao gồm 6 học sinh trung học, 3 người bạn của kẻ hành hung và 3 thanh niên có quan hệ với cậu ta trên mạng xã hội.

Chân dung Samuel Paty bên ngoài quốc hội Pháp. (Ảnh: AP)

Ngày 6/6/2021, gia đình 4 người của Salman Afzaal, 46 tuổi, vợ Madiha Salman 44 tuổi, con gái Yumna Afzaal 15 tuổi và người bà 74 tuổi, thiệt mạng sau khi bị một chiếc xe tải đâm khi đang đi bộ ở London, Ontario, Canada. Chỉ có thành viên nhỏ tuổi nhất của gia đình, Fayez, 9 tuổi, sống sót.

Một ngày sau, cảnh sát London cáo buộc một thanh niên 20 tuổi tội giết người và tội cố ý giết người vì hành động có kế hoạch trước nhằm tấn công gia đình Afzaal “vì đức tin Hồi giáo của họ”.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 8/6 nói các nội dung thù ghét trên mạng có thể đã góp phần vào động cơ của nghi phạm bị cáo buộc tấn công 4 nạn nhân trên.

Đã có nhiều hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề các nội dung thù ghét trên mạng có thể châm ngòi bạo lực. Năm 2017, Alexandre Bissonnette giết 6 người tại một nhà thờ ở Quebec. Cuộc điều tra sau đó tiết lộ tay súng đã trở nên cực đoan hóa trên mạng và chìm ngập trong các nguồn tin từ truyền thông cực hữu. Theo Bernie Farber, chủ tịch Mạng lưới chống thù ghét Canada, phần lớn những tội phạm như trong vụ xả súng vào nhà thờ trở nên cực đoan hóa trên mạng và cách tốt nhất để ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai là bằng các khuôn khổ pháp lý.

Sau vụ xả súng vào nhà thờ Hồi giáo New Zealand năm 2019, ông Trudeau tham dự hội nghị Chrischurch Call to Action, cam kết “loại bỏ các nội dung khủng bố và bạo lực cực đoan trên mạng”, hứa “nhắm đến các phát ngôn thù ghét, quấy rối và lợi dụng, và làm nhiều hơn để bảo vệ các nạn nhân của phát ngôn thù ghét”.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau. (Ảnh: The Canadian Press)

Theo trung tâm kỹ thuật số và truyền thông văn hóa Canada (MediaSmarts), internet là một không gian tuyệt vời tràn ngập ý tưởng, phương tiện để mọi người tiếp cận thông tin và dịch vụ. Nhưng mặt tối của nó là bên cạnh những nguồn tài nguyên hữu ích, đây có thể trở thành nơi “chứa chấp” những nội dung công kích, thù ghét – nhằm thổi bùng lên những luồng ý kiến chống lại những người hoặc nhóm người cụ thể, khiến người với người quay ra tấn công lẫn nhau.

Không phải lúc nào cũng dễ dàng phân biệt khi nội dung thù ghét trên internet vượt giới hạn từ công kích trở thành phạm pháp. Ranh giới giữa phát ngôn thù ghét và tự do ngôn luận cũng vô cùng mỏng manh, đặc biệt khi các nước khác nhau có quy định khác nhau.

Thù ghét online có thể có tác động trên nhiều phương diện, đem đến sự quấy rối và gây hại cho “mục tiêu”. Ngoài ra, những người tiếp xúc với nội dung thù ghét có thể trở nên cực đoan hóa, kích động hơn.

Julian Wiehl, CEO một cơ quan truyền thông, nói: "Phương tiện truyền thông xã hội cho chúng ta cảm giác rằng một số giá trị tồn tại, trong khi thực tế không có”.

Sức tiếp cận rộng lớn của internet, kết hợp với việc khó truy vết giao tiếp, khiến nó trở thành công cụ lý tưởng cho những người cực đoan truyền bá quan điểm tiêu cực, thậm chí gây quỹ hoạt động và tuyển thành viên một cách bài bản. Khi internet phát triển và thay đổi, các nhóm và phong trào thù ghét càng thích nghi, tạo ra những website, diễn đàn và tài khoản mạng xã hội để thực hiện mục đích của mình.

(Ảnh minh họa)

Cơ quan giáo dục công dân liên bang Đức miêu tả hiện tượng phát ngôn thù ghét là: “Khi mọi người bị hạ thấp, tấn công hoặc ghét bỏ, hoặc khi có kêu gọi bạo lực chống lại họ”. Ngoài ra, nội dung thù ghét còn được miêu tả là “hiện tượng thù địch, xúi giục chống lại một người hoặc nhóm người cụ thể trên các nền tảng mạng và mạng xã hội”.

Ngày càng có nhiều người bị ảnh hưởng bởi lời nói thù ghét, cho dù dưới hình thức bắt nạt ở trường học hay nơi làm việc, hoặc thông qua các lời lăng mạ phân biệt giới tính, chủng tộc,...

Vào năm 2020, trong cuộc khảo sát hàng năm do cơ quan truyền thông bang North Rhine-Westphalia, Đức thực hiện, 94% số người được hỏi từ 14 đến 24 tuổi nói rằng họ đã thấy lời nói thù ghét trên internet.

Trong cuộc khảo sát do Viện Dân chủ và Xã hội Dân sự Jena Đức (IDZ) thực hiện, 8% trong số những người được hỏi cho biết họ đã bị ảnh hưởng cá nhân liên quan đến các phát ngôn thù ghét. Phần lớn những người được hỏi cho biết họ trở nên xúc động hơn, sợ hãi, lo lắng, trầm cảm và có các vấn đề về hình ảnh bản thân sau khi bị xúc phạm hoặc tấn công.

Mức độ tấn công trực tuyến cũng tăng lên trong những năm gần đây. Ngoài những lời lăng mạ thô thiển, các bình luận đôi khi còn có hơi hướng đe dọa, dạng như: "Tôi biết con bạn đi học ở đâu".

Theo các chuyên gia, Facebook, Twitter và các nền tảng khác về cơ bản đã góp phần châm ngọn lửa đằng sau các tuyên bố thù ghét. "Mạng xã hội được xây dựng theo thuật toán có thể củng cố những tuyên bố gây ra phản ứng cực đoan với các lượt thích, sau đó cho rằng đây là những tuyên bố được quan tâm và giúp nó hiển thị nhiều hơn".

Wiehl nói: “Chúng ta đã trở thành những kẻ nghiện cảm xúc để giá trị bản thân phụ thuộc vào phản ứng (từ người khác)... Phương tiện truyền thông xã hội cố gắng giới hạn tương tác xã hội chỉ với việc trao đổi thông tin. Nhưng bạn không thể đánh giá một người khác toàn diện thông qua mạng xã hội. Khi đó một người tị nạn, chẳng hạn, không còn là con người, mà chỉ là một thông tin, một vật thể”.

Dần dần, xã hội dân sự dường như cũng thức tỉnh trước làn sóng thù hận khổng lồ đang nở rộ trên mạng trong những năm gần đây. Ngày càng có nhiều người bị ảnh hưởng bởi lời nói thù ghét phải tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc tự có "chiến lược" của riêng họ để đối phó với nó.

Những bình luận mang tính kích động thù địch được báo cáo vi phạm (report) thường xuyên hơn, đặc biệt là bởi những người trẻ tuổi.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm và nhiều cá nhân bị ảnh hưởng vẫn cảm thấy bị bỏ lại một mình hoặc bất lực trong việc tự vệ trước các cuộc tấn công kỹ thuật số, nhất là khi những kẻ cực đoan tìm cách ẩn danh trong khi phát tán ngôn từ kích động trên mạng.

"Phải có luật lệ được áp dụng, phải có những khoản tiền phạt được áp dụng cho những phát ngôn thù hận... bởi vì nếu không thì sẽ không có gì xảy ra", Farber nói với CBC.

Phương Anh (Nguồn: DW, CBC)

Tin mới