Ngày 23/5/2021 - dấu mốc không thể nào quên khi nhận kết quả thông báo trúng cử vào đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ. Giây phút ấy vừa vui vừa hãnh diện đan xen cảm xúc lo lắng, hồi hộp", cô giáo 9x Hà Ánh Phượng (Thanh Sơn, Phú Thọ) nói về thời khắc trở thành đại biểu Quốc hội khóa XV.
Cũng từ đó, cô thấy trách nhiệm trên vai lớn hơn khi mang theo niềm tin của cử tri tới nghị trường Quốc hội với mong ước ngành giáo dục ngày càng tốt hơn.
Gần 2 năm từ khi trở thành đại biểu Quốc hội, cô nhận được nhiều tâm sự, sẻ chia của các thầy cô giáo, không chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ mà trên cả nước cũng rất nhiều.
Ấn tượng nhất với cô là lá thư dài tới 5 trang của cô giáo ở vùng núi tỉnh Thanh Hóa kể về những khó khăn, trăn trở của bản thân sau nhiều năm gắm bó với nghiệp nhà giáo. Cô giáo mầm non ấy đang hợp đồng được gần 8 năm ở vùng sâu vùng xa nhưng chỉ nhận mức lương hợp đồng chỉ đạt 2,5 triệu đồng/tháng.
Cô giáo Hà Ánh Phượng phát biểu trước Quốc hội.
"Tôi thực sự cảm phục sự hy sinh và lòng yêu nghề của thầy cô giáo ấy. Nếu không thực sự yêu, tâm huyết với nghề, chắc chắn cô giáo đó, cũng như rất nhiều giáo viên khác từng tâm sự với tôi không thể tiếp tục được hành trình dạy học của mình", cô Phượng nói.
Từ những thấu hiểu và trăn trở, cô giáo gốc Phú Thọ luôn cố gắng mang tiếng nói, tâm tư đại diện cho nhiều thầy cô giáo trên cả nước gửi đến nghị trường Quốc hội suốt 4 kỳ họp qua. Cô mong chế độ chính sách tiền lương của các thầy cô ở các cấp học sẽ được quan tâm hơn, biên chế Nhà nước cho giáo viên mầm non sẽ tăng cao để giải quyết các vấn đề tồn tại, đặc biệt là những nhà giáo đang làm việc ở khu vực biên giới, vùng núi khó khăn.
Đại biểu Hà Ánh Phượng cũng nhận được nhiều kiến nghị, tâm tư từ những nhân viên trường học (nhân viên thư viện, nhân viên nhà bếp, phục vụ công vụ...), bởi số lượng chính sách, ưu đãi đến các đối tượng này còn ít và nhiều bất cập.
Nhân viên trường học là bộ phận nhỏ ở các trường học nhưng lại giữ vai trò quan trọng. Họ là những người âm thầm giải quyết các công việc khác nhau, có khi còn phải kiêm nhiệm rất nhiều thứ để giúp ngôi trường có thể vận hành và phát triển hơn.
Theo cách tính hiện nay, chế độ chính sách, lương, phụ cấp của họ khá thấp so giáo viên và các vị trí tương tự ở các ngành khác. Đôi lúc, tính chất công việc của họ đang làm có sự kết hợp giữa công việc của công chức và viên chức sự nghiệp giáo dục.
Họ làm việc 8 tiếng một ngày nhưng không được phụ cấp công vụ như công chức, cùng làm việc trong ngành giáo dục nhưng lại không được phụ cấp thâm niên. Trong đó, mức phụ cấp mà họ nhận được chỉ dao động từ 0,1 - 0,2 mức lương cơ sở, riêng nhân viên y tế phụ cấp ngành dọc không quá 20%, nhân viên văn thư hầu như không có phụ cấp gì.
Có nhân viên trường học sau 10 năm đi làm với tấm bằng đại học chưa đạt mức lương 4,5 triệu đồng/tháng. Vì vậy, nhiều người bỏ nghề, hoặc tâm lý chán nản khi đi làm. Trong khi đó, nhân viên xin nghỉ rất khó tìm người thay thế.
Cô Phương đã gửi câu hỏi, tâm tư của của họ tới Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Chị hy vọng, việc chuyển tải tiếng nói những đồng nghiệp của mình đến với nghị trường, sẽ góp phần cải thiện không chỉ chính sách để các thầy cô không chỉ yên tâm công tác, mà còn có thêm động lực và niềm vui mỗi khi đến trường.
Là một trong những đại biểu Quốc hội trẻ nhất khoá XV, cô Trần Thị Quỳnh - sinh năm 1993, giáo viên trường THPT Nguyễn Khuyến (Nam Định) chưa khi nào nghĩ bản thân sẽ đảm nhận trọng trách lớn lao này.
Ngày từ nhỏ, cô ước mơ trở thành giáo viên, đứng trên bục giảng chia sẻ kiến thức với học trò. Cô thừa nhận, trở thành đại biểu Quốc hội không chỉ là sự hãnh diện mà cũng là cơ hội để được gặp gỡ, lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn với các cử tri, đặc biệt là thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh.
Cô luôn tự đặt ra mục tiêu cho bản thân phải truyền tải được thật nhiều tiếng nói, tâm tư của học sinh, thầy cô lên nghị trường nhằm thay đổi chính sách, cải thiện đời sống và ngành giáo dục ngày càng tốt hơn.
Để không ảnh hưởng công việc dạy học, cô luôn cố gắng sắp xếp thời gian biểu hợp lý, ngày lên lớp, tối tìm hiểu, chia sẻ, lắng nghe ý kiến của của cử tri. Cô cũng may mắn khi được lãnh đạo trường và các thầy cô giáo khác trọng trường hỗ trợ dạy thay mỗi khi bận đi họp Quốc hội, "sau đó sẽ dạy bù trả tiết cho các thầy cô giáo khác".
Cô giáo Trần Thị Quỳnh.
Trước mỗi lần tiếp xúc cử tri, gần như cô đều mất ngủ. Cô luôn cố gắng ghi chép chi tiết, cẩn thận ý kiến của các cử tri, thậm chí xin số điện thoại của các thầy cô để có thể tìm hiểu sâu hơn về những khó khăn, tâm tư mà trong các ý kiến phát biểu, kiến nghị chưa nêu được hết. Là một người trẻ, cô Quỳnh bày tỏ sự quan tâm tới việc phát huy chất xám của những trí thức trẻ, đóng góp phần vào sự phát triển của tỉnh Nam Định và cả nước; đồng thời đặc biệt quan tâm tới những người trẻ hoàn cảnh khó khăn, mong muốn họ có cơ hội hòa nhập cộng đồng và phát triển một cách bình đẳng.
Trong 4 kỳ họp vừa qua, cô Quỳnh gửi nhiều đề xuất ý kiến với Quốc hội nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho các em học sinh, đặc biệt là học sinh vùng kinh tế khó khăn; chú trọng đến việc phát triển kỹ năng sống và khả năng sử dụng ngoại ngữ để làm chủ cuộc sống.
Cô luôn đặt mục tiêu cho bản thân trước mỗi kỳ họp là được nói lên tâm tư, nguyện vọng của các em và thầy cô giáo đến với lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ để mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui.
“Tôi ý thức rõ rằng, đây là trách nhiệm nặng nề. Tôi xác định cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa, tiếp tục học tập, phấn đấu không ngừng trong sự nghiệp trồng người cũng như trong cuộc sống, để xứng đáng là người đại biểu dân cử”, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định nói.
Từng nhiều năm công tác trong lĩnh vực giáo dục trước khi đảm nhận nhiệm vụ Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Mai Hoa luôn lắng nghe, chia sẻ cùng khó khăn của các thầy cô giáo.
Điều bà trăn trở và nhận được nhiều ý kiến, chia sẻ, tâm sự của các cử tri trong ngành giáo dục nhất trong thời gian gần đây là câu chuyện bỏ nghề. Có thể các thầy cô nghỉ việc xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là câu chuyện tiền lương và môi trường, điều kiện làm việc.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa.
"Tôi thực sự đau lòng khi lắng nghe những cử tri là giáo viên trẻ mới ra trường thu nhập chỉ khoảng 3 đến 4 triệu đồng/tháng hay những thầy cô có thâm niên công tác lâu nhất ở trường cũng chỉ hơn 9,5 triệu đồng/tháng. Hầu như họ không có nguồn thu tăng thêm, không tiền thưởng dịp lễ, Tết.
Trong khi, lương công nhân, người lao động chân tay trên cùng địa bàn vào khoảng trên dưới 10 triệu đồng, có vị trí lên tới 15 triệu đồng, thậm chí trên dưới 20 triệu đồng. Nghe thầy cô tâm sự mà thấy chạnh lòng thay", bà Hoa nói.
Bên cạnh lương thì môi trường làm việc cũng là vấn đề khiến giáo viên không bám trụ với nghề. Giáo viên mầm non thời gian làm việc căng thẳng, rủi ro nghề nghiệp nhiều. Giáo viên phổ thông đối diện với đủ các loại áp lực yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa; việc ứng dụng công nghệ số.
Hay sự bất lực của nhà giáo trong xử lý học sinh “cá biệt” khi thiếu các công cụ kỷ luật trong nhà trường, câu chuyện “lạm thu”... làm tổn thương tới hình ảnh, danh dự nhà giáo… "Môi trường và điều kiện làm việc đầy áp lực như vậy, rất khó để nhà giáo có thể toàn tâm, toàn ý gắn bó với nghề", bà Hoa chia sẻ.
Cả 4 kỳ họp của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhiều lập gửi kiến nghị lên Quốc hội và Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện chính sách tiền lương, thực hiện tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương đối với đội ngũ giáo viên công lập, quan tâm chính sách đối với giáo viên tư thục. Đồng thời cần có cơ chế tuyển dụng phù hợp, khuyến khích người giỏi vào ngành giáo dục, thu hút giáo viên về công tác tại các địa phương vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới.
"Nhân dịp 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi xin được chia sẻ với các đồng nghiệp của mình về muôn vàn khó khăn mà các nhà giáo đã, đang và sẽ phải vượt qua. Nghề giáo cao cả và vinh quang, vì thế mà cũng đầy gian nan, thử thách", Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục nói.