"Ông xã tôi cũng chê tôi nhiều thứ, nhưng vẫn yêu tôi, đó là cái được lớn nhất mà tôi có" - Diễn viên Khánh Huyền chia sẻ về cuộc hôn nhân hiện tại, cuộc hôn nhân thứ hai của chị.
Năm năm trước, ngồi ở hàng ghế chờ trong Nhà hát Thành phố sau buổi tập vở kịch Nhà búp bê, âm thanh lanh canh chua xót của chị như quay về sự đổ vỡ của một gia đình. Năm năm sau, ngồi ở phòng khách căn hộ tầng chín của chị là một Khánh Huyền trong trẻo...
- Sau 5 năm gặp lại, có vẻ như chị đã là người Sài Gòn. Sự khác biệt dễ thấy nhất giữa Sài Gòn và Hà Nội trong chị là gì?
Trước khi vào Sài Gòn, trong mắt của người thân, của bạn bè, đồng nghiệp, tôi đã là người thành đạt, có vị trí trong nghề nghiệp của mình, nhưng trong con người tôi có cái gì đó mông lung, mơ hồ, thiếu tự tin. Có thể, từ nhỏ tôi đã hay đọc tiểu thuyết người lớn, hay đọc thơ của Nguyễn Bính, rồi bị ám ảnh, hay buồn vu vơ…
Từ khi chuyển vào Nam sống và nhất là bây giờ, tôi có cảm giác thực tế hơn, mạnh mẽ hơn, bớt khóc, bớt tủi thân hơn so với hồi ở Hà Nội. Sài Gòn có nhiều thu hút tôi bên ngoài ngôi nhà, tôi thích ra ngoài và thích lôi kéo mọi người trong nhà ra ngoài. Trong khi ở Hà Nội, tôi chỉ thích nằm nhà.
- Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết “khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Việc “chỉ thích nằm nhà” của chị, có vẻ như Hà Nội đã không hóa “tâm hồn” từ khi chị quyết định... hành phương Nam?
|
- Nhắc đến Khánh Huyền người ta nghĩ ngay đấy là cô diễn viên điện ảnh, diễn viên sân khấu hoặc bây giờ là MC của chương trình truyền hình. Ít ai biết Khánh Huyền đã từng là một người thích ca hát và cũng được đào tạo rất bài bản để trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp. Vì sao có sự thay đổi này?
- Thực tình là tôi có khiếu âm nhạc. Hồi nhỏ, ba tôi cứ bắt tôi ra hát cho khách đến nhà nghe, rồi cũng đi hát ở Cung Thiếu nhi Hà Nội cùng với chị Thanh Lam và Hồng Nhung. Sau đó lại theo học thanh nhạc ở nhà hát Tuổi Trẻ. Bài hát Người yêu nhé của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện là bài hát đầu tiên khi tôi là ca sĩ và cũng có lẽ bài hát duy nhất mà mọi người nghe tôi hát trên đài.
Nhưng tôi thành diễn viên sớm hơn ca sĩ, vì ngay từ khi mới là sinh viên năm thứ hai thanh nhạc, tôi đã được chú Tất Bình giới thiệu cho ĐD Trần Vũ khi ông thực hiện bộ phim nhựa Anh và tôi.
Tôi được nhận vào vai nữ trẻ. Bộ phim đã được giải Bông sen bạc. Sau đó, tôi được mời tham gia liên tục một loạt phim và thấy chân ngoài của mình dài hơn chân trong. Tôi bắt đầu hay bỏ học thanh nhạc để đi đóng phim rồi thấy mình có khiếu làm diễn viên hơn ca sĩ. Vậy là nghề đã chọn tôi.
- Tính đến nay, chị tham gia rất nhiều phim, nhưng những nhân vật của chị thường có nét hao hao giống nhau, giống bản tính con người của chị: xinh đẹp, hiền lành, nết na, chịu đựng… Lặp lại một khuôn vai sẽ rất dễ bị chai mòn trong diễn xuất, chị có sợ mình nhàm chán với khán giả?
- Diễn viên không ai muốn đóng khung vào vai nào cố định. Nhưng thú thật, có lần anh Bùi Cường giao cho tôi một vai ác, đọc kịch bản tôi đã từ chối ngay vì không quen với sự gian ác. Nhưng tôi cũng muốn đổi mới mình nên mới đây, tôi đã nhận một vai ác mà khi đọc kịch bản tôi… sững cả người.
Tôi thì thích những nhân vật đầy cá tính nhưng là người tốt. Cho dù hoàn cảnh đưa đẩy đến cái ác nhưng bản chất người ta lương thiện. Còn nhân vật này, một trưởng phòng có quyền có chức trong công ty, muốn ai lên thì lên, ai xuống là xuống, càng ngày càng ác. Ác như bà dì ghẻ đối với Lọ Lem. Cuộc sống của tôi chưa từng gặp mẫu người như nhân vật này, một nhân vật trái hẳn với tôi ngoài đời.
Trước đây, tôi vào những vai bị hại nhiều hơn, còn bây giờ chính mình đi hại người. Đó là sự trái chiều giữa con người thật và nhân vật. Tôi vẫn chưa thể đồng cảm với nhân vật ấy. Nhưng tôi nghĩ, đây là dịp để thử sức sau gần ba năm tạm ngưng điện ảnh, kể từ khi tham gia phim Không chùn bước nói về vụ án Năm Cam.
- Cuộc sống của chị cũng va chạm nhiều, mà con người thì không tránh được hỷ nộ ái ố, chị có là một ngoại lệ?
Tôi nghĩ trong cuộc đời chắc mình cũng có một lần nào đó khiến cho người khác đau lòng. Nhưng đó không phải là sự cố tình của mình, mà do tình cảm của mình bị chi phối nên vô tình làm cho người khác buồn, chứ không phải vì cái tâm ích kỷ đến mức độc ác của mình gây ra. Tính tôi là hướng thiện, vì vậy dù vô ý làm cho ai đau thì bản thân mình cũng thấy tổn thương.
- Trong hôn nhân, chị có tin vào số phận?
Tôi không tin vào số phận. Nhưng tôi có tin vào sự sắp đặt của tự nhiên, một sự sắp đặt sẵn những khúc rẽ của cuộc đời, với phụ nữ thường không muốn xây dựng lại gia đình, nên quyết định ly hôn chắc chắn là điều khó khăn. Nhưng không muốn cũng không được, bởi đó là sự sắp đặt sẵn rồi.
Chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ ly hôn cũng như chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể đi thêm một bước nữa trong tâm thế nhẹ nhàng như mình đã có.
- Cảm giác thường mang tính chủ quan, còn thực tiễn thì mang tính khách quan. Chị có nghĩ sự chủ quan của mình sẽ lại dẫn chị vào con đường mà chị vừa thoát ra một cách vật vã, chán ngán?
Mất bốn năm để quyết định sống chung với ông xã bây giờ, tôi nghĩ đã đủ biến sự chủ quan thành khách quan. Khoảng thời gian đủ lâu đó vừa để chúng tôi dò lại tình cảm thật, vừa để đối chiếu những điều trái ngược của nhau.
|
- Nhiều người nghĩ rằng, để có một cuộc hôn nhân bền vững thì đàn bà nên thấp hơn đàn ông một cái đầu theo nhiều nghĩa. Nói cách khác, thứ bậc trong gia đình là điều cần thiết và vì vậy, đã là vợ nên thấp xuống một chút so với chồng?
- Tôi nghĩ thấp một chút thì đúng, nhưng luôn luôn thấp thì không. Tôi không bàn theo nghĩa trụ cột trong gia đình nữa, vì điều đó thật sự không phù hợp với các cặp vợ chồng hiện đại lắm. Các cặp vợ chồng ngày nay ưng ý nhất, hạnh phúc nhất là vợ chồng biết tôn vinh lẫn nhau chứ không phải là phân cấp trong gia đình. Biết nâng cho nhau những gì tốt, biết hỗ trợ cho nhau để hoàn thiện vai trò của mình chứ không phải là phân cấp ai hơn ai.
Khi họ biết hỗ trợ nhau, biết nâng nhau là bản thân họ đã có một sự nể phục nhau. Hãy để cho phụ nữ biết phục người đàn ông của mình, chứ không phải là người phục vụ cho người đàn ông của mình. Bản chất của người phụ nữ là hy sinh, muốn được hy sinh trong sự tự nguyện, hãnh diện chứ không phải bị cưỡng bức hy sinh.
- Lúc kết hôn ai cũng nghĩ chuyện sống chung đến ngày răng long đầu bạc. Thực tế bây giờ cho thấy, tuổi thọ của hôn nhân lần đầu trong khu vực thành phố thường dưới 10 năm. Chị quan niệm thế nào về hôn nhân bền vững?
- Tôi không có quan niệm cụ thể về hôn nhân, chỉ mong ước có được một cuộc hôn nhân đúng với những gì mình cần. Nhiều người cứ đặt ra tiêu chí phải thế này, thế kia… những thứ khó thực hiện. Không nên cầu toàn và đặt quá cao một cái gì.
Mong muốn là bản năng của con người. Ai thiếu gì sẽ mong muốn cái đó. Khi cuộc sống vật chất đầy đủ thì họ không cần thêm vật chất nữa, mà sẽ cảm thấy cái khác cần phải có hơn, vậy là họ mong ước. Trong gia đình cũng thế, phụ nữ cần sự quan tâm của chồng là vì họ thiếu sự quan tâm. Do vậy, vợ chồng cần phải hiểu nhu cầu của nhau.
Giới tính làm cho người ta khác biệt, tôi hiểu vì sao gọi đàn ông là sao Hỏa, đàn bà là sao Kim... đàn bà muốn đàn ông hiểu mình và đàn ông cũng vậy, nhưng đàn bà đòi hỏi nhiều hơn. Người khác như thế nào không biết, với tôi thì vợ chồng phải biết nhìn, biết hiểu cảm giác của nhau, biết đặt mình vào vị trí của người khác để quan tâm cho nhau. Đó cũng là cách bồi đắp nền tảng cho sự bền vững trong hôn nhân.
- Xu hướng hiện nay là gia đình có hai trụ cột tốt hơn một trụ. Nhưng nếu cùng lúc có hai người cầm lái thường thuyền dễ chông chênh hơn. Theo chị, người đàn ông cần một người vợ giỏi hay một người vợ tốt?
Giỏi là nói đến tài, tốt là nói đến đức. Người ta thường nói trai tài chứ không nói đến gái tài. Bởi vậy theo tôi nghĩ, đàn ông cần một người vợ tốt trước tiên, nếu người vợ ấy lại giỏi thì sẽ tốt hơn nữa.
Nhưng thế nào là người vợ tốt? Theo tôi vẫn là chuẩn công dung ngôn hạnh xưa kia được hiểu như là một kỹ năng phục vụ gia đình mà mọi người phụ nữ cần phải biết. Tuy nhiên, bây giờ việc vào bếp không quá quan trọng như thời trước, mà vào bếp chỉ cốt để tạo không khí gia đình, chứ không phải là yêu cầu quan trọng nhất. Yêu cầu người phụ nữ ở nhà để lo cho gia đình không còn phù hợp.
Điều quan trọng của một người vợ tốt không phải tự mình quán xuyến mọi việc mà đừng để cho chồng con thiệt thòi, nếu có thì phải tìm cách bù đắp ngay, bù đắp một cách xứng đáng.
- Chị nói rằng đổ vỡ làm người ta khôn ngoan hơn. Theo đó, người ta biết điều chỉnh lại những tính xấu của mình để tránh sự đổ vỡ khác. Nhưng thực tế không phải bao giờ cũng điều chỉnh được mọi tính xấu. Chị thấy mình còn tính xấu nào không khi bước thêm bước nữa?
- Tôi ghen. Nhưng không phải ghen tuông. Đúng hơn là tôi ích kỷ trong tình cảm. Tôi không ghen đến mức không muốn cho chồng làm việc với phụ nữ, nói chuyện với phụ nữ… nhưng tôi không muốn chồng mình vui vẻ với ai quá, đề cao ai đó hơi quá…
Tôi ghen không phải vì sợ mất mà là vì đang khó chịu, bực bội và tức tối với đối tượng đang nhắm tới, nhất là với người cũ của chồng. Tôi không sợ chuyện tình cũ không rủ… nhưng không thích điều đó xảy ra vì nó khiến tôi như bị xúc phạm. Trong thâm tâm, tôi vẫn muốn chồng mình dù quan hệ với ai, nhưng khi có mình ở đó thì tôi vẫn là người quan trọng hơn họ.
- Điều gì khiến chị tin rằng ông xã chị đang rất hài lòng về vợ mình?
- Tôi luôn luôn tránh những lý do phải ra khỏi nhà vào buổi tối!
- Xin cám ơn chị.
Theo Phụ nữ