Ngắm tháp Chăm cao nhất Đông Nam Á tại Bình Định.
Tọa lạc trên một đỉnh đồi tại xã Tây Bình (huyện Tây Sơn, Bình Định) cách thành phố Quy Nhơn khoảng 50km. Tháp Dương Long (hay còn có tên gọi tháp Ngà, tháp Bình An hay tháp An Chánh) được xây dựng chịu ảnh hưởng lối kiến trúc Khmer, vào thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nền văn hóa Chăm Pa (Thế kỷ XII-XIII).
Đây là cụm công trình kiến trúc nghệ thuật Chăm Pa còn lại khá nguyên vẹn trên dải đất miền Trung hiện nay và cũng là cụm tháp gạch cao nhất Việt Nam hiện còn. Tháp Giữa cao 39m, tháp Bắc cao 32 và tháp Nam 33m. Thông tin từ Cục Di sản Văn hoá, tháp Giữa được xem là ngôi tháp gạch cao nhất ở Đông Nam Á.
Cụm tháp Dương Long như bao ngọn tháp Chăm tại Bình Định, đều nằm trên đồi cao theo kiểu đền - núi đặc trưng của Khmer. Cả cụm tháp Dương Long nằm thẳng hàng theo trục Bắc – Nam, cửa chính hướng về biển Đông.
Sự khác biệt giữa các tháp thể hiện trong trang trí điêu khắc qua từng nhát đục tài hoa của người thợ Chăm Pa xưa.
Trải qua nghìn năm lịch sử, phần đai ốp chân đế bên dưới cửa giả này còn nguyên vẹn các khối đá.
Những đai đá trên đỉnh tháp được trau chuốt khá tỉ mỉ, với đề tài chủ đạo là cánh sen ngửa và úp. Tạo hình là bầu vú phụ nữ căng tròn, đây chính là biểu tượng của nữ thần Uroja.
Phần thân của các tháp trong cụm tháp Dương Long xây bằng gạch, các góc được ghép bởi những tảng đá lớn chạm trổ công phu.
Một trong những yếu tố thể hiện rõ nét sự ảnh hưởng văn hóa Khmer đó chính là hình tượng rắn thần Naga 1 đầu,3 đầu, 5 đầu... Trải qua 3 lần khai quật tại tháp Dương Long với mục đích trùng tu, tôn tạo vào các năm 2006, 2007 và 2008, các nhà khảo cổ học đã phát hiện số lượng lớn hiện vật điêu khắc đá mà phần lớn thể hiện đề tài rắn Naga.
Loại gạch được người Chăm sử dụng để xây dựng tháp Chàm là một trong những bí ẩn mà sau gần 100 năm nghiên cứu, các nhà khoa học mới giải mã được, các tháp Chăm được xây bằng loại gạch non đặc biệt. Gạch này xốp, ngấm nước, nắng lên lại tỏa hơi, duy trì độ bền qua hàng thế kỷ.
Tuy nhiên, qua hàng nghìn năm bị tác động của thời gian và con người, ngày nay quần thể tháp đã bị hư hỏng khá nhiều, nhưng nét kiến trúc độc đáo vẫn không phai mờ.
Tháp Dương Long được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích Kiến trúc Nghệ thuật năm 1980 và được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt ngày 23/12/2015.