Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Khám phá 6 làng nghề truyền thống nổi tiếng Bình Định

(VTC News) -

Du lịch làng nghề là một trong những cách để khám phá văn hóa Bình Định.

Làng nghề đúc đồng Bằng Châu

Làng nghề đúc đồng Bằng Châu tọa lạc tại phường Đập Đá, thị trấn An Nhơn, nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn chỉ khoảng 20km. Đây là một trong những làng nghề lâu năm luôn thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu mỗi ngày.

Trải qua lịch sử hình thành và phát triển hơn 200 năm, nghề đúc đồng này vẫn lưu giữ được trọn vẹn những kỹ xảo tinh túy từ thời xa xưa. 

Các sản phẩm đúc đồng tuyệt đẹp, nhiều mẫu mã.

Các sản phẩm tại làng nghề đúc đồng Bằng Châu không chỉ được đánh giá là bền, đẹp mà còn rất đa dạng về kiểu dáng và các mẫu mã. Trước đây, khi làng nghề mới được thành lập, các nghệ nhân nơi đây đã tập hợp lại từng cụm, cùng nhau chung tay sản xuất các sản phẩm như: Mâm, đèn thờ, nồi, chảo,…Tuy nhiên, thời kỳ đầu, sản phẩm còn khá thô sơ, quy trình chế tạo khuôn đúc cũng tốn nhiều công sức,…

Dần dà theo thời gian, làng nghề bắt đầu có những cải tiến mới, cho ra đời nhiều dòng sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao hơn như: Hộp đựng trầu, khay cùng các loại vật dụng trang trí khác.

Làng bánh tráng Trường Cửu

Có lẽ bánh tráng Bình Định đã quá nổi tiếng với du khách thập phương. Và làng nghề sản xuất bánh tráng được yêu thích nhất chính là làng bánh tráng Trường Cửu. Một làng nghề đã tồn tại lâu năm qua bao thế hệ. 

Làng bánh tráng Trường Cửu.

Đến với làng nghề này, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những công đoạn để tạo ra bánh tráng. Từ việc chuẩn bị bột gạo đến tráng bánh rồi phơi khô. Công việc tráng bánh tưởng chừng như đơn giản, nhưng cũng có những yêu cầu đặc biệt bắt buộc phải tuân theo, để cho ra đời những chiếc bánh tráng đều tay, đẹp mắt.

Trung bình mỗi người có thể tráng từ 200 – 500 chiếc bánh tráng mỗi ngày. Bởi vậy khi bước chân đến với ngôi làng này, bạn sẽ quan sát thấy những khoảng sân trong làng Trường Cửu đều phủ đầy những vỉ bánh tráng. Với một mùi hương đặc trưng thơm lừng, cuốn hút. 

Làng dệt thổ cẩm Hà Ri

Nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 80km, Hà Ri chính là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số Ba Na. Nơi đây nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm, cho ra đời rất nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo.

Làng dệt thổ cẩm Hà Ri.

Tuy hiện nay đã có thêm nhiều máy móc thêu dệt hiện đại nhưng làng nghề này vẫn luôn giữ gìn được những nét tinh hoa văn hóa từ thời ông cha. Người dân thường chọn màu đen làm màu chủ đạo trong trang trang phục thổ cẩm của mình. Kết hợp chấm phá cùng các màu xanh, đỏ, trắng, vàng, tạo nên những bộ đồ cực kỳ đẹp mắt.

Ngoài ra, người dân nơi đây còn thêu dệt thêm nhiều loại sản phẩm khác như: Ví, túi xách, khăn quàng cổ, khăn trải bàn,… nhằm phục vụ cuộc sống đời thường và làm quà tặng cho những vị khách đến tham quan. 

Làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá

Rượu Bàu Đá được bình chọn là một trong 10 loại rượu nổi tiếng nhất tại Việt Nam. Nếu có dịp đến với Bình Định du lịch, bạn đừng quên ghé đến làng nghề rượu Bàu Đá để hiểu hơn về quy trình sản xuất loại rượu này.

Làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá.

Làng nghề này nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30km về hướng Tây Bắc, tọa lạc tại xóm Bàu Đá, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Đến đây du khách sẽ được trải nghiệm nấu rượu cùng người dân cực kỳ thú vị, đồng thời còn được thưởng thức hương vị rượu ngon, nhâm nhi cùng một vài món ăn kết hợp.

Gốm Vân Sơn

Nghề làm gốm vốn đã có từ rất lâu đời ở Bình Định nhưng nổi tiếng nhất vẫn là gốm Vân Sơn. Làng nghề này nằm dưới chân núi Long Cốt, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30km về hướng Tây Bắc.

Các sản phẩm của làng nghề nổi tiếng không chỉ bởi chất lượng, mà còn bởi nó luôn mang văn hóa đặc trưng của tỉnh Bình Định.

Sản phẩm gốm Vân Sơn giờ đây đã rất đa dạng.

Sản phẩm gốm giờ đây đã rất đa dạng. Đủ các loại chum, vò, ấm, nồi, thạp, bộng giếng, chậu cây cảnh, bếp lò than,…

Làng nón ngựa Phú Gia

Nằm trên địa bàn xã Cát Tường, huyện Phù Cát, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 45km về hướng Bắc, làng nón ngựa Phú Gia là một trong những làng nghề truyền thống có tuổi đời lên đến 300 năm. Sở dĩ gọi chiếc nón ngựa là bởi nó luôn mang trong mình sự dẻo dai, bền bỉ.

Nón ngựa Phú Gia.

Thời xưa, nón ngựa chỉ dành riêng cho giới giàu sang nhưng đến ngày nay, loại nón này đã được phát triển và sử dụng rộng rãi trên khắp các địa bàn.

Đến ngôi làng truyền thống này, du khách sẽ thấy hình ảnh những chiếc nón ngựa và nón lá được bày khắp các sân nhà khiến bất cứ ai đến đây cũng đều vấn vương không rời. 

HỒNG KHANH (Tổng hợp)

Tin mới