Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Khai thác đất hiếm cho bán dẫn: Không thể vội vã, cần chú ý môi trường

(VTC News) -

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh, Việt Nam có xấp xỉ 30 triệu tấn đất hiếm, việc nghiên cứu chế biến sâu tài nguyên này có thể phục vụ bán dẫn.

Sáng 4/6, trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội khuôn khổ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh cho biết Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn, vào khoảng 30 triệu tấn. Trong đó, Bộ TN&MT đã đánh giá trữ lượng 2,7 triệu tấn, và khoảng 18 triệu tấn chưa đánh giá.

Bộ trưởng Khánh cho biết, việc khai thác khoáng sản quan trọng, thiết yếu, đặc biệt là đất hiếm cần tính đến việc chế biến sâu, chế biến tinh tại Việt Nam và phục vụ công nghiệp chip bán dẫn. "Nếu chúng ta chế biến sâu được đất hiếm, thì có thể phục vụ ngay cho chúng ta và ngoài ra còn nghiên cứu để xuất khẩu", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, thực trạng hiện nay là nước ta chưa nghiên cứu một cách tổng thể việc chế biến đất hiếm cho nên chưa có công nghệ chế biến sâu, cho nên cần thu hút đầu tư, liên doanh, chuyển giao công nghệ.

Nhận xét về tiềm năng đất hiếm dồi dào tại Việt Nam và khả năng phục vụ công nghiệp bán dẫn, ông Nguyễn Việt Hải, Giám đốc công nghệ Công ty SNS (Sirius Network Solution) cho biết cần tính toán rất chặt chẽ.

Theo ông Hải, thứ nhất, việc khai thác, tinh chế đất hiếm phục vụ công nghiệp giá trị là công việc không hề đơn giản, đòi hỏi năng lực kinh tế và kinh nghiệm sâu sắc. Thứ hai, khai thác đất hiếm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường nên cần đánh giá cẩn trọng. Ngoài ra, ông Hải cũng nhấn mạnh dù nguyên vật liệu rất quan trọng nhưng việc bán nguyên liệu thô từ đất hiếm chưa chắc đã mang lại lợi ích.

Ông Nguyễn Việt Hải, Giám đốc công nghệ Công ty SNS trong một sự kiện về bán dẫn tại Hà Nội, tháng 6/2024.

"Khai thác, tinh chế đất hiếm nằm trong lĩnh vực hóa chất, công nghệ hóa học, không hề đơn giản. Không chỉ yêu cầu khoa học cơ bản mà việc này còn liên quan đến công nghệ rất phức tạp. Theo tôi, không nên vội vã trong việc này trừ phi chúng ta có những công nghệ rất phù hợp và lợi ích đã được chứng minh", ông Hải kết luận.

Về việc này, trong phiên chất vấn Quốc hội chiều 4/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng khẳng định Việt Nam có trữ lượng đất hiếm chiếm 18% toàn cầu nhưng rất cần các công nghệ để chuyển giao nguyên tố thì mới có giá trị.

Cũng theo Phó Thủ tướng, "Đã có dự án điều tra, đánh giá trữ lượng các loại đất hiếm, xác định nguyên tắc dựa vào cung cầu của thị trường để khai thác, đáp ứng được công nghệ tuyển chọn, không xuất khẩu đất hiếm thô".

Tại Việt Nam, đất hiếm chủ yếu được tìm thấy ở khu vực Tây Bắc, đặc biệt tập trung ở các tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái. Trong đó, mỏ đất hiếm gốc tại Lai Châu là mỏ có trữ lượng lớn nhất cả nước, đủ điều kiện khai thác quy mô công nghiệp.

Theo quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam dự kiến sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai mỗi năm vào năm 2030.

Theo Bộ Năng lượng Mỹ, đất hiếm chỉ bao gồm 17 nguyên tố trong toàn bộ bảng tuần hoàn, đóng một vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia, độc lập năng lượng, tương lai môi trường và tăng trưởng kinh tế. Nhiều công nghệ tiên tiến có các thành phần được làm từ đất hiếm như nam châm, pin, phốt pho và chất xúc tác, bên cạnh bán dẫn.

Những thành phần này được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, từ chăm sóc sức khỏe, giao thông vận tải, sản xuất điện, lọc dầu đến điện tử tiêu dùng. 

Thạch Anh

Tin mới