Sáng 1/3 (tức mùng 10/2 năm Quý Mão), tại Khu di tích lịch sử văn hóa Đình, đền, bến Tượng (xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), UBND huyện Quỳnh Phụ khai mạc Lễ hội truyền thống Đền A Sào - di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Video: Hàng nghìn người dân và du khách tham gia Lễ hội truyền thống Đền A Sào
Sau 2 năm bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19, năm nay lễ hội đền A Sào mới được tổ chức trở lại. Đây là sự kiện văn hóa, du lịch nổi bật của tỉnh Thái Bình nói chung và của huyện Quỳnh Phụ, xã An Thái nói riêng.
Ngay từ sáng sớm, đông đảo người dân được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho lễ khai mạc đã có mặt để hoàn tất khâu trang hoàng, bày đồ lễ.
8h sáng, đoàn rước bộ đã tập trung đầy đủ và rước qua đủ 5 thôn của xã An Thái. Đoàn rước được trang bị chu đáo từ phục trang, đạo cụ đến lễ phẩm.
Khi hoàn thành hành trình rước bộ, đoàn rước sẽ tề tựu trong sân đền. Trước khi diễn ra lễ dâng hương và khai mạc, tiết mục trống hội do người dân thôn A Sào thể hiện khơi dậy khí thế hào hùng của thời kỳ kháng chiến chống quân Nguyên – Mông xâm lược.
A Sào có tên gốc là A Cảo, một vùng đất nằm ven sông Hóa (nay thuộc xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Năm 1258, khi quân dân nhà Trần tiến hành cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ nhất, Trần Quốc Tuấn mới 18 tuổi đã được phong tước hầu và được Triều đình giao về trấn thủ đất A Sào.
Trước khi diễn ra cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ hai, vua Trần cùng Trần Quốc Tuấn về vùng đất hai bên sông Hóa (Thái Bình và Hải Phòng) để xây dựng phòng tuyến.
Dưới sự vận động của Trần Quốc Tuấn nhân dân khắp vùng ùn ùn mang thóc gạo mong được góp công, góp của cùng triều đình đánh giặc. Đây chính là vùng đất ghi dấu tinh thần đoàn kết quân dân một lòng của nhà Trần.
Cũng tại khu vực đền A Sào còn có một địa danh được xem là chứng nhân lịch sử cho cuộc chiến chống quân Nguyên – Mông của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Cụ thể, Bến Tượng xưa thuộc địa phận A Sào nằm bên bờ sông Hoá, nơi đặt đồn binh tích trữ quân lương của Hưng Đạo Đại Vương.
Năm 1288, một lần xuất quân đánh quân của Ô Mã Nhi trên sông Bạch Đằng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ ba, voi chiến của Trần Quốc Tuấn bị sa lầy bên bờ sông Hóa. Mặc dù quân dân đã dùng gỗ, tre, rơm, rạ… ném xuống tìm cách cứu voi nhưng không kéo voi lên được. Vì thế trận quá khẩn trương, nên chủ tướng Trần Quốc Tuấn đành nuốt nước mắt lên thuyền vượt sông đánh giặc.
Thấy chủ tướng rời đi, voi chiến ứa nước mắt nhìn theo rồi kêu rống lên thảm thiết xong mới từ từ chìm vào lòng đất. Trước biểu cảm đầy trung nghĩa của chú voi, Trần Quốc Tuấn đã tuốt gươm chỉ xuống dòng sông lập lời thề: “Nếu trận này không thắng giặc Thát, ta thề không trở lại bến sông này nữa”.
Sau khi đánh thắng quân thù, Hưng Đạo Đại Vương cho đắp mộ Voi nơi bến sông và nhân dân đã lập miếu thờ. Từ đó, bến sông có tên là Bến Voi, Bến Tượng.
Từ đó đến nay, khu vực Bến Tượng và đền A Sào trở thành biểu tượng lịch sử mang ý nghĩa to lớn đối với người dân Thái Bình nói chung và Quỳnh Phụ nói riêng. Chính vì vậy, lễ hội đền A Sào chính là dịp để nhắc nhở về lịch sử hào hùng của dân tộc, giúp nhiều thế hệ ghi nhớ công ơn của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn trong 3 lần chống giặc Nguyên – Mông.
Với ý nghĩa to lớn ấy, đến nay hằng năm người dân xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đều long trọng tổ chức lễ hội đền A Sào vào 3 ngày 10 – 12/2 (âm lịch).
Sau lễ dâng hương và lễ khai mạc, BTC lễ hội đền A Sào tiếp tục tổ chức hội tế và triển khai các hoạt động vui chơi truyền thống như: Kéo co, thi giã bánh dày, múa kéo chữ…
Lễ hội đền A Sào không chỉ được tổ chức quy mô, long trọng, mà còn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và có ý nghĩa to lớn về lịch sử. Chính vì vậy lễ hội này không chỉ nhận được sự quan tâm, tham gia của người dân trong tỉnh Thái Bình mà còn thu hút nhiều du khách từ các tỉnh lân cận ghé thăm.