Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Khách gọi 'cháy máy', dịch vụ chở người say về nhà 'cháy hàng'

(VTC News) -

Từ 1/1/2020 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, dịch vụ đưa người say về nhà nhờ đó có lượng khách hàng tăng đột biến.

Kể từ 1/1/2020, các hành vi vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển ô tô, xe máy, xe đạp tham gia giao thông sẽ bị xử phạt cao hơn nhiều đối với quy định cũ. Cụ thể, người điều khiển ô tô có thể bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng, tước bằng 22-24 tháng, người điều khiển xe máy bị phạt từ 6-8 triệu đồng và tước bằng 22-24 tháng.

Chỉ trong 3 ngày ra quân xử lý các vi phạm về nồng độ cồn, lực lượng chức năng xử phạt hàng chục trường hợp có nồng độ cồn trong máu khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông vượt quá mức quy định. Trong đó, có những trường hợp bị phạt ở mức cao, như người điều khiển ô tô bị phạt 35 triệu đồng, tước bằng 23 tháng hay người điều khiển xe máy bị phạt 7 triệu, tước bằng 23 tháng.

Chính vì mức phạt cao gấp nhiều quy định cũ, cùng với việc bị tước bằng lái xe lên tới 2 năm nên nhiều người bắt đầu quan tâm đến các dịch vụ đưa đón người say về nhà.

Dịch vụ đưa đón người say đang nhận được sự quan tâm đặc biệt. (Ảnh: Butl).

Anh Lê Tài, chủ của công ty cung cấp dịch vụ Lái xe hộ - đưa người say về nhà cho biết: "Chỉ tính riêng trong vòng 1 buổi sáng hôm qua (4/1), có khoảng 5 khách gọi để đặt dịch vụ của tôi. Cao điểm nhất là vào buổi tối vì lúc đó hết giờ làm, nhiều người tụ họp bạn bè và bàn việc làm ăn trên bàn nhậu. Sau khi tàn cuộc, khách sẽ sử dụng đến dịch vụ của chúng tôi. Hai ngày hôm nay lượng khách gọi tăng đột biến gấp 3, 4 lần bình thường, hiện tại trung bình một ngày có trên 20 khách gọi đặt. Nhiều lúc tôi không kịp trả lời và cũng không kịp sắp xếp tài xế".

Anh Tài cho biết, giá dịch vụ cho mỗi lần đưa đón với phạm vi dưới 10km sẽ có giá 250.000 đồng, từ 10-15km sẽ có giá 300.000 - 350.000 đồng/lượt, xa hơn nữa sẽ tiếp tục tính thêm như đi taxi. Để đảm bảo an toàn và tài sản cá nhân cho khách cũng như tài xế, mỗi khi lên xe tài xế sẽ tiến hành lắp đặt camera giám sát trong và ngoài xe để toàn bộ quá trình đưa đón khách hàng được ghi lại đầy đủ nhất, tránh những rắc rối không đáng có. "Khách hàng của chúng tôi không chỉ có những người say mà nhiều người dù không say, vẫn hoàn toàn tỉnh táo nhưng vì đã uống một chút rượu bia nên sử dụng dịch vụ vừa đảm bảo an toàn cho bản thân, an toàn cho người đi đường và cũng không lo bị công an kiểm tra nồng độ cồn", anh Tài nói.

Khi được hỏi về những trường hợp khách hàng quá có thể gây nguy hiểm cho tài xế hoặc khách vì say nên "quên" trả tiền xe, anh Tài chia sẻ: "Nhiều khách hàng quá say có thể dẫn tới làm càn hoặc chửi bới tài xế không hiếm, nhưng tài xế sẽ có những cách cư sử sao cho hợp lý và cũng hiểu trong lúc say nhiều người không kiểm soát được bản thân. Tuy nhiên, cũng có nhiều khi chúng tôi từ chối phục vụ khách hàng. Với những khách quá say thường thì sẽ được bạn bè hoặc người thân đứng ra đặt dịch vụ và thanh toán luôn nên chúng tôi cũng may mắn chưa lâm vào tình huống khách không trả tiền hoặc không nhớ đã thanh toán hay chưa".

Mức xử phạt cao khiến nhiều người e ngại lái xe sau khi đã sử dụng rượu bia. (Ảnh minh hoạ).

Anh Lê Hoàng Ân, một chủ nhà hàng bia tươi tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: "Hai hôm nay, khách đến quán cũng có vài sự thay đổi, nhiều khách đã lựa chọn các phương tiện công cộng như taxi để đi đi về về cho an toàn, cũng không lo bị xử phạt. Ngoài ra, nhà hàng chúng tôi cũng đã "dắt lưng" vài số điện thoại dịch vụ chuyên đưa đón người đã uống rượu bia về để có thể đặt cho khách bất cứ lúc nào".

Ngoài những dịch vụ đưa đón khách như vậy, mới đây trên mạng xã hội cũng đã xuất hiện một nhóm có tên "Say gọi xế - Xế nhận say". Ban quản trị của nhóm cho biết, đây là nơi kết nối giữa tài xế ở các khu vực và những người đã sử dụng rượu bia muốn đưa cả người lẫn phương tiện về nhà.

Theo đó, cách thức hoạt động khá đơn giản. Khách uống rượu sẽ đăng bài cung cấp địa chỉ cần đón và nơi đến cùng số điện thoại, tài xế nào nhận việc sẽ comment thông tin số điện thoại của mình và bằng lái xe để nhận. Thông tin kết nối giữa hai bên sẽ được lưu lại trong goup để xử lý nếu có phát sinh sự cố trong quá trình vận chuyển phương tiện và khách hàng.

Tuy nhiên, mức phí cho loại hình kết nối này chưa được niêm yết, thời điểm này vẫn là sự thoả thuận giữa khách hàng và tài xế.

Năm 2017, một dịch vụ tương tự có tên BUTL - Bạn uống tôi lái - được ra mắt trên cả nền tảng trang web và ứng dụng di động. Cách thức hoạt động giống như những ứng dụng gọi xe như Grab, Be... mức phí được tính theo số km hiển thị trên bản đồ. Theo khảo sát, mức giá ứng dụng này đưa ra cao gấp khoảng 3 lần ứng dụng Grab trên cùng một quãng đường. Tuy nhiên, ứng dụng này đến nay đã ngừng hoạt động.

Ngọc Khánh

Tin mới