Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Khách dừng mua ô tô, chờ giảm 50% phí trước bạ

Thông tin ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước có thể được giảm 50% phí trước bạ khiến nhiều người mua lưỡng lự và chờ đợi để tiết kiệm chi phí mua xe.

Thủ tướng vừa đồng ý với đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2020. Nếu quy định này được áp dụng, các dòng ôtô dưới 9 chỗ sản xuất trong nước sẽ được giảm một phần mức phí trước bạ được tính 10-12% giá xe tùy theo địa phương đăng ký.

Chờ đợi được giảm phí đăng ký

“Chưa chắc chắn thời gian áp quy định giảm phí trước bạ khiến người bán xe như tôi điêu đứng" - Ngọc Hà, nhân viên kinh doanh ô tô Hyundai tại Hà Nội chia sẻ.

"Khách đã ký đặt xe rồi chưa chịu đóng tiền ngay, còn khách đang có nhu cầu nay chọn cách chờ đợi thông tin chính thức mới quyết định”.

Khách hàng trì hoãn việc mua xe để chờ đợi quy định giảm phí trước bạ được áp dụng.

Anh Đức Việt, tư vấn bán hàng tại đại lý Honda tại quận 2, TP.HCM cho biết nhiều khách hàng đang có kế hoạch mua xe chuyển sang trạng thái quan sát thị trường sau khi biết được thông tin Thủ tướng đồng ý với đề xuất giảm phí trước bạ cho xe hơi lắp ráp.

Trong khi đó, số ít người dùng đã đặt cọc cho các dòng xe nhập khẩu như Civic, Accord hay CR-V lại không quá quan tâm đến thay đổi này vì đã chốt xong ý định mua xe từ trước.

Đối với khách mua xe sang, đại diện một showroom Mercedes-Benz tại Bình Tân, TP.HCM tiết lộ có vài người mua đã chuyển đủ tiền để nhận xe nhưng không mang xe đi đăng ký mà chọn cách chờ đợi. Cũng có một vài khách hàng tỏ ra lưỡng lự và chưa vội chốt xe ngay.

Với mức giá bán khoảng 2 tỷ cho các dòng xe như GLC hay E-Class, người mua có thể bỏ túi được cả trăm triệu đồng phí đăng ký nếu quy định của Chính phủ được áp dụng.

Mercedes-Benz hiện là thương hiệu xe sang duy nhất có nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Hiện tại, cả 6 dòng xe du lịch của Hyundai được sản xuất trong nước. Trong khi đó, Honda Việt Nam chỉ đang lắp ráp duy nhất một dòng xe là City. Còn với Mercedes, những mẫu xe chủ lực của họ như C-Class, E-Class, S-Class và GLC đều lắp ráp tại nhà máy ở TP.HCM.

Thay đổi ý định mua xe

Anh Trần Chí (TP.HCM) vốn đang cân nhắc chọn mua Honda Civic G nhập Thái giá gần 790 triệu. Tuy nhiên, sau khi biết thông tin xe lắp ráp trong nước có thể được giảm phí trước bạ anh lại tỏ ra phân vân và muốn chuyển sang mua Mazda3 1.5L Luxury giá 769 triệu.

Ngoài mức giá chênh lệch khoảng 20 triệu, nếu mua Mazda3 do Thaco sản xuất anh sẽ tiết kiệm thêm được gần 40 triệu chi phí đăng ký so với mua Civic. “Tôi vốn ưng Civic hơn, nhưng nếu Mazda3 rẻ hơn hàng chục triệu thì lại khác. Từng ấy tiền tôi có thể mua thêm nhiều phụ kiện, đồ nâng cấp” - anh Chí nói.

Các dòng xe lắp ráp sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn nếu được áp dụng giảm 50% phí trước bạ.

Bên cạnh đó, nhiều khách hàng nay đứng giữa lựa chọn mua phiên bản cao cấp hơn của dùng một dòng xe hoặc chuyển sang phân khúc cao hơn.

Chị Ngọc Trâm tại Hải Phòng chuẩn bị mua Hyundai Kona bản Turbo giá 750 triệu với số tiền lăn bánh khoảng 844 triệu. Nay khi có thông tin có thể được giảm 50% phí trước bạ, Trâm đắn đo khi chỉ cần bỏ thêm 10 triệu nữa là có thể lấy được Tucson bản Tiêu chuẩn giá 799 triệu đồng.

Chi phí mua xe sẽ không thay đổi nhiềuCó một vài ý kiến cho rằng không nhất thiết phải chờ đợi mà có thể mua xe ngay nếu như đang có ý định tậu ôtô. Bởi lẽ chi phí mua xe tuy có giảm nhưng sẽ không thay đổi nhiều ngay cả khi quy định giảm phí trước bạ được áp dụng chính thức.

Tài khoản Tuyenvh trên diễn đàn Otosaigon bình luận: “Theo em giá lăn bánh sẽ không giảm hoặc giảm rất ít. Khi hãng thấy người tiêu dùng đổ xô đi mua xe thì từ khi nghị định có hiệu lực hãng sẽ cắt hoặc giảm khuyến mãi. Xe đắt hàng quá thì các đại lý lại bán bia kèm lạc”.

Nguồn cung của xe lắp ráp có dấu hiệu thiếu hụt khi các nhà máy ôtô vừa phải đóng cửa do dịch Covid-19. Ảnh: Việt Linh.

Ngọc Mai, chuyên viên marketing online trong lĩnh vực ôtô cũng nhận định tương tự: “Nếu được Chính phủ hỗ trợ kích cầu bằng hình thức giảm phí trước bạ thì các đại lý và hãng ôtô sẽ điều chỉnh ưu đãi ít lại so với các tháng vừa qua cho các dòng xe trong nước”.

Chị Mai giải thích đó là vì nhiều đại lý và nhà sản xuất đang phải chịu lỗ để bán được hàng. Đồng thời, các nhà máy ôtô tại Việt Nam vừa qua đã phải đóng cửa vì dịch COVID-19 nên nguồn cung của xe lắp ráp bắt đầu có dấu hiệu thiếu hụt. Một vài dòng ôtô bán chạy khách hàng thậm chí phải ký chờ nhận xe.

Dù vậy, theo nhiều chuyên gia, kế hoạch giảm phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước là tin vui với người mua xe. Động thái có kể kích cầu thị trường vốn trầm lắng do dịch COVID-19 từ đầu năm.

Nguồn: Zing News

Tin mới