Liên quan đến việc chính quyền xã Giao Long (huyện Giao Thủy, Nam Định) yêu cầu chủ nhà đóng tiền cọc 3 triệu đồng và xử phạt nếu để xảy ra tình trạng khách đến ăn cỗ lấy phần, ngày 29/3, trả lời PV VTC News, ông Nguyễn Tiến Tùng – Chánh Văn phòng UBND huyện Giao Thủy cho biết, huyện đang triển khai Chỉ thị số 10 của Huyện ủy về phát động phong trào người dân thực hiện nếp sống văn minh văn hóa.
Chỉ thị có phần tuyên truyền, vận động người dân khi tổ chức đám cưới, đám tang làm cỗ vừa đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần để tránh gây lãng phí.
“Văn phòng huyện chưa nắm được sự việc xã Giao Long yêu cầu người dân đặt cọc tiền khi làm cỗ để người dân cam kết không để xảy ra tình trạng ăn cỗ lấy phần.
Mỗi địa phương có quy ước, hương ước riêng theo phong tục nhưng quy định đặt cọc 3 triệu thì tôi chưa nhận được phản ánh. Chúng tôi chưa được nghe báo cáo về việc này”, ông Tùng cho hay.
Đại diện huyện Giao Thủy cho biết, việc người dân đặt cọc tiền xuất phát từ sự tự nguyện, tuy nhiên việc này cũng trái quy định của pháp luật. (Ảnh minh họa)
Cũng liên đến sự việc, trả lời VTC News, ông Bùi Văn Khôi – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Giao Thủy cho biết, thông tin chính quyền xã phạt tiền người dân khi đi ăn cỗ lấy phần là không đúng bản chất sự việc.
Theo ông Khôi, tục ăn cỗ lấy phần là một trong những tục lệ phổ biến ở các làng quê Bắc Bộ trong đó có Giao Thủy (Nam Định). Đến hiện nay, tục này không còn phù hợp nữa nên huyện có chủ trương tổ chức cuộc vận động làm cỗ đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần.
“Chủ trương này là cuộc vận động và nó hoàn toàn mang tính tự nguyện, tự giác trên cơ sở pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, tổ chức họp dân, cộng đồng dân cư để cộng đồng dân cư thảo luận, đi đến đồng thuận và đưa vào hương ước, cùng thực hiện.
Trong quá trình thực hiện có sự việc ở Giao Long, một số khu dân cư người dân tự thỏa thuận để có sự ràng buộc, khi nhà đám tổ chức sẽ nộp trước tiền cọc. Nhưng trong quá trình thực hiện chưa có ai vi phạm cũng như chưa có ai bị xử lý cả”, ông Khôi nói.
Trưởng phòng Văn hóa -Thông tin huyện Giao Thủy cũng cho hay, với vai trò quản lý Nhà nước, khi nắm được thông tin, Phòng đã phối hợp với Phòng Tư pháp có cuộc giám sát và kiến nghị với địa phương không để các cộng đồng dân cư tiếp diễn việc xử phạt ăn cỗ lấy phần, vì như vậy là trái quy định.
“Tất cả các văn bản của huyện hay hương ước của làng, xã đều không có nội dung hay chế tài này mà xuất phát từ phía người dân, người dân tự thỏa thuận. Nhưng nhìn chung nó cũng trái với quy định của pháp luật và khi kiểm tra chúng tôi đã kiến nghị không để tiếp diễn”, ông Khôi nói.
Ông Khôi cũng cho biết, trong thời gian tới, Phòng Văn hóa – Thông tin sẽ tiếp tục kiến nghị với các công đồng dân cư và chính quyền xã Giao Long để chấm dứt tình trạng này.