Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Kết quả xét công nhận giáo sư, phó giáo sư 2019: Ứng viên có nhiều bài báo quốc tế vẫn bị đánh trượt

Sau khi Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố ứng viên đạt chuẩn chức danh, nhóm các nhà khoa học trẻ lo ngại về tính minh bạch, công bằng trong xét duyệt.

16 ứng viên trượt chức danh giáo sư, phó giáo sư

Năm 2019, có tổng số 725 ứng viên đăng ký xét chức danh giáo sư và phó giáo sư. Sau khi trải qua thẩm định hồ sơ, đánh giá ngoại ngữ, báo cáo khoa học tổng quan còn 440 ứng viên giáo sư, phó giáo sư (gồm 82 ứng viên giáo sư, 358 ứng viên phó giáo sư) từ 26 hội đồng giáo sư ngành, liên ngành đủ điều kiện đưa vào danh sách đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh.

Tuy nhiên, sau khi trải qua sự đánh giá và bỏ phiếu của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước chỉ còn 424 ứng viên đạt tiểu chuẩn (gồm 75 ứng viên giáo sư , 349 ứng viên phó giáo sư), giảm 7 ứng viên giáo sư và 9 ứng viên phó giáo sư.

 

Ngay sau khi Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công bố danh sách 424 ứng viên giáo sư, phó giáo sư đạt đủ phiếu tín nhiệm của Hội đồng, nhóm nhà khoa học trẻ lo lắng, gửi thư thắc mắc tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vì nhiều điểm vô lý, chưa rõ ràng trong đợt xét duyệt này.

Cụ thể, nhóm nhà khoa học trẻ cho rằng, theo Quyết định số 37/22018/QĐ-TTg của Chính phủ ban hành về “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” là chính sách tốt, nhằm khuyến khích và tạo động lực cho các nhà khoa học, người nghiên cứu tin tưởng vào một môi trường giáo dục tiên tiến, công bằng và trong sạch.

Đồng thời, quyết định nêu rất rõ yêu cầu hội đồng cơ sở, hội đồng ngành, hội đồng chức danh giáo sư nhà nước phải công khai danh sách ứng viên và lý lịch khoa học của ứng viên trên website chính thức của Hội đồng cơ sở và Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Theo quy định, điều kiện với ứng viên PGS phải có ít nhất 2 bài báo quốc tế, GS phải có 3 bài báo quốc tế hoặc bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc những yêu cầu tương đương. Từ năm 2020 con số này sẽ là 3 bài với PGS và 5 bài với ứng viên giáo sư.

Quyết định cho phép chuyển đổi công trình khoa học (bài báo quốc tế, hoặc/và bằng độc quyền sáng chế) thay thế các điều kiện khác như: viết sách; số lượng nghiên cứu sinh, giờ giảng,… Yêu cầu hội đồng GS các cấp phải minh bạch hoá quá trình đánh giá, kiểm phiếu khi đánh giá ứng viên và cho điểm cao hơn đối với tác giả chính của các công trình khoa học.

105 bài báo khoa học vẫn trượt

Nhóm các nhà khoa học trẻ cho rằng, quy định là vậy, nhưng thực tế thì có 7 ứng viên dù hội đồng ngành/liên ngành thông qua, nhưng khi trình lên vòng xét của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước vẫn trượt giáo sư. Cụ thể, các nhà khoa học đưa ra 3 dẫn chứng:

Một là, ứng viên giáo sư sở hữu hơn 40 bài báo khoa học, (20 bài được đăng trên các tạp chí uy tín thế giới, có sách được xuất bản bởi nhà xuất bản uy tín nước ngoài) vẫn không đủ điều kiện.

Hai là, ứng viên giáo sư liên ngành Cơ khí - Động lực sở hữu 105 bài báo khoa học trong và ngoài nước, (27 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học nổi tiếng là Scopus, ISI, SCI, đã được cấp 1 bằng bản quyền tác giả của Cục Sở hữu trí tuệ, có 4 cuốn sách xuất bản, đạt tổng số điểm nghiên cứu khoa học là 24,18) nhưng...vẫn trượt.  

Ba là, ứng viên giáo sư ngành Vật lý với tổng điểm nghiên cứu khoa học lên đến 65,70 (45 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế) cũng vẫn không đạt yêu cầu.

Từ đó nhóm các nhà khoa học trẻ băn khoăn, ứng viên được Hội đồng Cơ sở, Hội đồng ngành đánh giá điểm khoa học cao và có lý lịch khoa học ưu tú với nhiều công trình được công bố quốc tế; các giải thưởng khoa học danh giá trong và ngoài nước, sở hữu nhiều bằng độc quyền sáng chế… nhưng lại bị loại khỏi danh sách được đề nghị xét phong giáo sư và phó giáo sư.

Nhóm các nhà khoa học trẻ đặt câu hỏi rằng: “Tại sao Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước nêu lý do các ứng viên đạt số điểm công trình khoa học cao hơn mức sàn (10 điểm với PGS và 20 điểm với GS) lại bị loại khỏi danh sách?.

Và số phiếu bầu của các ứng viên đó cụ thể là bao nhiêu? Cần đơn vị có thẩm quyền trả lời rõ các nguyên nhân loại ứng viên”.

Nhóm nhà khoa học trẻ cũng nhấn mạnh, các thầy thuộc thành viên hội đồng, chủ tịch hội đồng, những người trực tiếp đánh giá các ứng viên phải có số lượng công trình công bố nhiều hơn của các ứng viên mới đủ trình độ và tư chất để xét duyệt. Do đó, cần công khai lý lịch khoa học các thành viên hội đồng để xã hội cùng nhìn nhận và phản biện.

Không riêng gì các nhà khoa học trẻ, vấn đề này đang khiến cộng đồng các nhà khoa học và dư luận xã hội đặt câu hỏi về tính minh bạch, công bằng trong quy trình xét duyệt. 

Minh Khôi

Tin mới