Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 5 có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, vì dân

(VTC News) -

Kỳ họp bất thường lần thứ 5 không chỉ có ý nghĩa trong thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 và cả nhiệm kỳ, mà còn có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, vì dân.

Sáng 18/1, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo công bố kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Thông qua 2 luật và 2 nghị quyết quan trọng

Phát biểu tại họp báo, ông Bùi Văn Cường cho biết, để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, căn cứ quy định của hiến pháp và pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV để xem xét, quyết định những nội dung quan trọng.

Sau 2,5 ngày làm việc, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. (Ảnh: Quochoi.vn).

Tại Kỳ họp, Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, xem xét kỹ lưỡng và biểu quyết thông qua các nội dung: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Đánh giá về kết quả Kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, những nội dung được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài, là minh chứng cho tinh thần lập pháp vì dân.

Theo đánh giá của Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương và 260 điều đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo đúng Hiến pháp năm 2013, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, mà trực tiếp là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Thông tin thêm về Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho biết, khi trình dự thảo luật, Chính phủ cũng trình dự thảo nghị định ban hành kèm theo. Thống kê sơ bộ có khoảng 65 điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết, do đó Chính phủ sẽ ban hành các nghị định để hướng dẫn thi hành 65 điều khoản này.

Ông Phan Đức Hiếu đề nghị Chính phủ cần sớm có kế hoạch triển khai thi hành luật, trong đó xác định việc soạn thảo, ban hành sớm các nghị định hướng dẫn thi hành, bảo đảm luật sớm đi vào cuộc sống.

“Nếu liệt kê chi tiết sẽ có hàng trăm điểm mới trong Luật Đất đai (sửa đổi). Cá nhân tôi cho rằng có 5 nhóm vấn đề mới, gồm các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người sử dụng đất; các quy định tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp; các quy định nâng cao hiệu quả sử dụng đất; các quy định về tài chính đất đai và các quy định nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý Nhà nước về sử dụng đất đai”, ông Phan Đức Hiếu cho biết.

Bảo đảm sự an toàn của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng

Về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đây là luật có nhiều nội dung chuyên sâu, có tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô. Việc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật được thực hiện kỹ lưỡng, thận trọng, phù hợp với đường lối, chính sách và Hiến pháp 2013.

Toàn cảnh buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án luật. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, bám sát yêu cầu cơ cấu lại, nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống tổ chức tín dụng theo đúng chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội.

Chia sẻ thêm về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), bà Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, nội dung chính của luật tập trung vào các quy định can thiệp sớm, hỗ trợ tín dụng và kiểm soát đặc biệt các tổ chức tín dụng.

Với tinh thần cẩn trọng, kỹ lưỡng, luật đưa ra các quy định này nhằm mục đích nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, qua đó góp phần giúp các tổ chức tín dụng bảo đảm năng lực, an toàn hệ thống và phát triển theo đúng nguyên tắc thị trường.

Về Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, nghị quyết gồm 6 điều, quy định về 8 cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời thực hiện khoản 2, Điều 2, Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề các chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong khi đó, Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho phép sử dụng 63.725 tỷ đồng dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.

Trong đó, phân bổ 33.156,987 tỷ đồng dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực để thực hiện nhiệm vụ, dự án đủ thủ tục đầu tư đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Đối với số vốn còn lại 30.568,013 tỷ đồng dự kiến bố trí cho các dự án đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV nhưng chưa đủ thủ tục đầu tư theo quy định, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư theo thẩm quyền, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định phân bổ Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khi đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật. Trường hợp cấp bách, giữa 2 kỳ họp Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phân bổ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Nghị quyết cũng quy định sử dụng dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 để bổ sung cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

PHẠM DUY

Tin mới