Ngày 1/8, thông tin từ Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, trong 3 vụ nghi ngộ độc botulinum tại TP Thủ Đức vừa qua, chỉ có một vụ được xác định có nguyên nhân từ độc tố botulinum do ăn bánh mì chả lụa.
Các vụ ngộ độc phân bố rải rác ở các phường Cát Lái, Thạnh Mỹ Lợi và Long Thạnh Mỹ.
Một trong các bệnh nhân ngộ độc botulinum điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. (Ảnh: BVCC)
Theo Ban quản lý An toàn thực phẩm, có 7 người nghi ngộ độc, 6 người trong số này phải nhập viện cấp cứu, trong đó một người tử vong tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Kết luận điều tra cho thấy, trong 3 vụ nghi ngộ độc botulinum, chỉ có một vụ tại phường Long Thạnh Mỹ được xác định do độc tố Clostridium botulinum gây ra.
Bánh mì chả lụa mua từ người bán dạo được xác định là thức ăn nghi gây ngộ độc. Hai vụ còn lại ở phường Cát Lái và Thạnh Mỹ Lợi không có cơ sở kết luận là ngộ độc thực phẩm.
"Cơ sở cung cấp chả lụa gây ngộ độc không có chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không có đăng ký kinh doanh. Đáng chú ý, cơ sở sử dụng nguyên liệu như thịt heo, thịt gà, mỡ heo không rõ nguồn gốc xuất xứ", Ban quản lý An toàn thực phẩm khẳng định.
Ban quản lý An toàn thực phẩm cho biết thêm, tuy đủ cơ sở kết luận các nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm do độc tố Clostridium botulinum, nhưng chưa đủ cơ sở kết luận nguyên nhân gây ngộ độc là từ cơ sở cung cấp chả lụa này. Trước đó, kết quả kiểm nghiệm mẫu chả lụa tại đây âm tính với Clostridium botulinum.
Như VTC News đưa tin, ngày 13/5, gia đình 4 người (ngụ TP Thủ Đức), gồm 1 người dì cùng 3 anh em ruột là N.V.H (14 tuổi), N.V.Đ (13 tuổi) và N.T.X (10 tuổi) mua chả lụa từ người bán dạo không rõ nguồn gốc để ăn với bánh mì. Sau đó, 3 anh em ruột bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu.
Tối 20/5, Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin đang phối hợp cùng Bệnh viện Nhân dân Gia Định điều trị cho 3 trường hợp khác cũng bị ngộ độc botulinum do ăn bánh mì kẹp chả lụa. 3 bệnh nhân đều ngụ tại TP Thủ Đức, thuộc hai gia đình khác nhau.
Qua khai thác, 3 bệnh nhân cho biết vào ngày 13/5 có ăn bánh mì kẹp chả lụa của người bán dạo và ăn một loại mắm để lâu ngày.
Đến ngày 14/5, cả 3 bệnh nhân có triệu chứng rối loạn tiêu hoá, mệt mỏi, đau đầu, choáng váng, tiêu chảy… nên được đưa đi cấp cứu.
Vụ việc sau đó được lực lượng chức năng xác định cơ sở kinh doanh cung cấp chả lụa cho tiệm bánh mì ở phường Trường Thọ, TP Thủ Đức.