Derek Grossman là một nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại tổ chức phi lợi nhuận Rand Corporation. Trước đây, ông từng là cố vấn tình báo tại Lầu Năm Góc.
Theo Grossman, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, bất chấp những khác biệt giữa chính sách và tính cách của hai ứng viên, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, khi nó vẫn nhằm duy trì một khu vực dựa trên luật lệ và "tự do và rộng mở".
“Một lý do cho điều này là các hành động quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc đã làm nhận thức của Mỹ trở nên cứng rắn hơn”, ông bình luận trên Nikkei Asia.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters)
Cuộc khảo sát mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy quan điểm tiêu cực của người Mỹ về Trung Quốc đã tăng gần 20% kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Theo ông Grossman, đây không nên được hiểu là một "hiện tượng Trump", vì các đồng minh và đối tác khác của Mỹ cũng đang tỏ ra khó chịu với Trung Quốc.
"Thực tế là những hoạt động ngày càng ép buộc của Trung Quốc trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - đáng chú ý nhất là ở Biển Đông và Hoa Đông...", và các vấn đề Đài Loan, Hong Kong, Ấn Độ, “đang tự lên tiếng”, theo ông Grossman, và làm tăng thêm vòng xoáy phản ứng cứng rắn của các bên với Trung Quốc. Chính quyền Mỹ nhìn nhận Bắc Kinh là thiếu minh bạch ban đầu và xử lý chưa đúng cách với COVID-19, và cả ông Trump và ông Biden đều cố tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc.
Cũng theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 84% người Mỹ tin rằng Trung Quốc đã xử lý sai cuộc khủng hoảng, cho thấy sự mất lòng tin vào Bắc Kinh sẽ kéo dài kể cả sau cuộc bầu cử.
Sự đồng thuận lưỡng đảng ở Washington nhằm chống lại và cạnh tranh với Trung Quốc cũng cho thấy rõ rằng Mỹ sẽ tiếp tục đẩy lùi Bắc Kinh bất kể Trump hay Biden là cái tên được xướng lên vào lễ nhậm chức vào tháng 1/2021 sắp tới.
Quốc hội Mỹ thông qua không ít luật mới trong những năm gần đây nhằm vào Trung Quốc, trong đó có Đạo luật Ủy quyền Phòng thủ Quốc gia đang chờ phê duyệt cho năm 2021 có thể sẽ bao gồm các quỹ cho Sáng kiến Răn đe Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Một sáng kiến tương đương Sáng kiến Răn đe châu Âu nhằm chống lại Nga.
Trong khi đó, trọng tâm của Lầu Năm Góc vẫn là "Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc", ông Grossman cho biết. Mọi tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, đi kèm, dường như đều phù hợp với việc coi Trung Quốc là đối thủ hàng đầu. “Nói một cách đơn giản, động lực của Mỹ để giữ sự tập trung vào Trung Quốc là quá lớn”.
Một điểm quan trọng khác là chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền ông Trump có nhiều điểm tương đồng với chiến lược "xoay trục" sang châu Á của cựu Tổng thống Obama.
Mặc dù định nghĩa địa lý của "châu Á" chắc chắn đã mở rộng dưới thời Trump, cả ông Trump và Obama đều ưu tiên tăng cường quan hệ song phương và đa phương với các đồng minh và đối tác để giải quyết các mối đe dọa chung.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, người phục vụ trong chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. (Ảnh: Reuters)
Trong khi chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói về Trung Quốc nhiều hơn chính sách Tái cân bằng Chiến lược của Obama, nhưng tính nhất quán giữa các chính sách này cho thấy cách tiếp cận của chính quyền Trump cũng khó ngoại lệ. Trên thực tế, nó là sự kế thừa hợp lý cho nhiều thập kỷ chính sách và chiến lược của Hoa Kỳ ở châu Á. Nên sẽ không ngôn ngoan khi chính quyền mới loại bỏ hoặc thực hiện các sửa đổi lớn bắt đầu từ năm 2021.
Với tất cả những điều này, cả Trump và Biden đều ít có khả năng điều chỉnh chính sách với Trung Quốc. Dù ông Trump rất khó đoán, và nếu được bầu lại, ông có thể đơn phương quyết định lật ngược toàn bộ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhưng một quyết định hấp tấp như vậy không có nhiều khả năng xảy ra.
Thay vào đó, Trump có thể cảm thấy được khuyến khích để gây áp lực lớn hơn nữa lên Trung Quốc.
Trong bối cảnh hiện tại, Trump thường xuyên đe dọa các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ bằng các cuộc chiến thương mại, cũng như đặt câu hỏi về lợi ích của các thỏa thuận với họ. Hành vi này có thể trở nên phổ biến hơn trong nhiệm kỳ thứ hai của ông và làm suy yếu sự cạnh tranh với Trung Quốc. Nhưng một lần nữa, kịch bản có khả năng xảy ra hơn là chính quyền Trump trong tương lai vẫn đi đúng hướng trong việc tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác để chống lại Trung Quốc.
Trong khi đó, nếu Biden trở thành Tổng thống, ít nhất ông sẽ cố gắng thiết lập lại với Trung Quốc để ngăn chặn sự đổ vỡ hoàn toàn trong quan hệ song phương và cố gắng đạt được tiến bộ trong các lĩnh vực toàn cầu quan tâm, chẳng hạn như biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Biden và các cố vấn của ông đồng ý với sự thúc đẩy chung của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Trump và họ đang có kế hoạch thực hiện một đường lối cứng rắn tương tự chống lại Bắc Kinh.
Biden cam kết cho Bắc Kinh thấy rằng Washington "sẽ không lùi bước". Mặc dù nhiều chi tiết hơn về chính sách Trung Quốc của Biden vẫn còn mơ hồ, nhưng điều rõ ràng là ông sẽ tăng cường củng cố các liên minh và quan hệ đối tác để đảo ngược những thiệt hại mà ông tin rằng Trump đã gây ra. Không làm điều này, theo quan điểm của Biden, việc chống lại sự cưỡng bức của Trung Quốc sẽ không khả thi.
Tất nhiên, có những thách thức khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngoài Trung Quốc. Ví dụ về Triều Tiên, Trump có thể sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị thượng đỉnh với ông Kim Jong-un để cố gắng đạt được bước đột phá về phi hạt nhân hóa, đồng thời duy trì chế độ trừng phạt nghiêm ngặt. Biden và nhóm của ông đồng ý với chiến dịch gây sức ép, mặc dù Biden đã chỉ trích Trump về cuộc gặp với Kim, gọi các cuộc gặp gỡ là "các cuộc chụp ảnh". Biden nói sẽ chỉ gặp Kim nếu đạt được tiến bộ rõ ràng.
Nhìn chung, các nhà quan sát cho rằng với các thách thức lớn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các chủ trương tương ứng của Trump và Biden hầu như không khác biệt.
Nên chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dường như vẫn được giữ nguyên phần lớn - thậm chí là hoàn toàn nguyên vẹn, bất kể kết quả của cuộc bầu cử như thế nào.
Theo bạn, ứng cử viên nào sẽ trở thành Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đây?