Rác thải trên kênh rạch là tình trạng nhức nhối nhiều năm nay tại TP.HCM, chưa thể giải quyết dứt điểm. Điều đáng nói là ở những khu dân cư ven kênh đã giải tỏa, hàng trăm hộ dân đã về khu tái định cư nhưng ở dọc Kênh Tẻ, khu vực chợ nổi tự phát trên đường Trần Xuân Soạn, rác lại nhiều lên và “rải” khắp bờ kênh, lòng kênh.
Những bao tải rác người dân để lại trên bờ Kênh Tẻ khi dời đi.
Dọc theo đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TP.HCM, xuôi theo dòng Kênh Tẻ, giờ đây chỉ còn mặt bằng và nền nhà cũ, chợ nổi cũng không còn hoạt động, nhưng không khó để bắt gặp những đống rác, bãi rác “lộ thiên” dài hàng cây số dọc kênh.
Nghịch lý ở đây là tất cả hộ dân ven kênh đã dời đến khu tái định cư, lẽ ra bờ kênh phải được thông thoáng, sạch sẽ, thế nhưng thực tế rác thải “tập kết” ở đây ngày một nhiều. Túi nilon, đệm cũ, thùng nhựa, chai nhựa, gạch đá, xốp, vỏ dừa,… tất cả “rải” khắp bờ kênh, trôi xuống dòng kênh đen quánh và sặc mùi.
Không khó để nhìn thấy những "bãi rác di động" trên Kênh Tẻ, đoạn chảy qua quận 4.
Ông Mạc Văn Phùng (57 tuổi, làm nghề xe ôm), sinh sống gần khu vực Bệnh viện Tân Hưng, quận 7 cho biết, ngoài lượng rác thải lớn do các hộ dân di dời để lại, bây giờ ven kênh, rác còn nhiều hơn trước do người dân vứt ra bờ kênh, đổ trộm vào ban đêm. Nếu không có hàng rào chắn, tình trạng này còn nghiêm trọng hơn nữa.
Tình trạng Kênh Tẻ qua địa bàn quận 4 cũng tương tự khi rác ngập bờ kênh với những hộp xốp, chai nhựa, nilon nối dài trôi trên kênh mặt nước.
Theo ông Phan Hoàng Lâm, Tổ phó Tổ An ninh trật tự phường 1, quận 4, mặc dù nhiều hộ dân ven Kênh Tẻ thuộc phường 1 di dời đến khu tái định cư, lượng rác thải cũng theo đó bớt đi, song tình trạng xả rác xuống kênh rạch vẫn diễn ra.
“Ở đây có 500 hộ dân, bây giờ họ đi còn 60 hộ, cũng giảm bớt lượng rác. Người dân đổ rác xuống kênh, gây ô nhiễm, lâu ngày bốc mùi hôi thối rất khó chịu”, ông Phan Hoàng Lâm nói.
Khu vực chợ nổi và khu nhà “ổ chuột” mặt đường Trần Xuân Soạn - một trong những “điểm đen” rác trên dòng Kênh Tẻ được giải quyết xong, tưởng rằng sẽ trả lại bờ kênh, đoạn kênh sạch sẽ. Nhưng chẳng những nó không sạch mà còn ô nhiễm hơn bởi ý thức kém của cả người đi và người ở.
Rác, túi nilon "rải" khắp bờ Kênh Tẻ, đoạn đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TP.HCM.
Theo thống kê của Công ty TNHH Dịch vụ công ích quận 8, TP.HCM, có đến 80% lượng rác vớt lên mỗi ngày từ các tuyến kênh là rác thải sinh hoạt do dân xả thẳng xuống kênh. Ông Dương Quý Lãm, Phó Giám đốc Xí nghiệp Vận chuyển cơ khí của công ty này cho biết, công nhân môi trường vớt hàng ngày nhưng rác không thấy giảm mà còn tăng.
“Hàng năm, thành phố chi khoảng 15 tỷ cho công việc vớt rác. Công nhân đi vớt bình quân mỗi ngày khoảng 25-35 tấn rác, trong đó 80% là rác sinh hoạt, chai nhựa, bịch ni lông, hộp xốp…, còn lại là các loại rác khác dồn lại nằm dưới nhà sàn, lâu ngày không phân hủy được, gây cản trở lưu thông dòng chảy”, ông Dương Quý Lãm cho biết.
Ngoài Kênh Tẻ, các con kênh khác tại TP.HCM như Kênh Đôi, Tàu Hũ, Bến Nghé cũng đang phải “gồng mình cõng rác”. Mỗi ngày có từ 10-40 tấn rác được vớt lên từ các con kênh này, đợt cao điểm lên tới 80 tấn/ngày.
Nguồn rác này chủ yếu do các hộ dân, hộ kinh doanh trên và ven các con kênh xả trực tiếp ra. Nếu người dân cứ tiếp tục không có ý thức bảo vệ các con kênh thì nguy cơ TP.HCM bị “bao vây” bởi nước ô nhiễm, rác thải là điều hiện ra trước mắt.
Video: Hà Nội thải 80 tấn rác nhựa mỗi ngày