Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Kẻ tung tin giả du khách nhiễm virus corona bị xử lý thế nào?

Theo luật sư, người tung tin sai sự thật về du khách nhiễm virus corona có thể bị phạt hành chính 20-30 triệu đồng, thậm chí bị phạt tù nếu gây thiệt hại tài sản, nguy hiểm cho xã hội.

Liên quan vụ virus corona bùng phát khiến nhiều người ở Trung Quốc tử vong, mạng xã hội xuất hiện thông tin “Đà Nẵng, Nha Trang đã có khách du lịch Trung Quốc nhiễm corona virus! Cần hành động khẩn”.

Thông tin trên đã được nhiều người chia sẻ gây hoang mang dư luận.

Ngày 23/1, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng cho biết ngành y tế địa phương chưa ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm virus này. Công an TP Đà Nẵng đang truy tìm người đăng tải thông tin không đúng sự thật lên mạng xã hội để xử lý.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa) đánh giá trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, mạng xã hội khiến thông tin lan truyền rất nhanh chóng.

Một số người lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt có thể xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây bất an trong dư luận.

Facebook đăng tin thất thiệt về virus corona. (Ảnh: Chụp màn hình)

Quá trình điều tra xác minh, nếu cơ quan chức năng có căn cứ xác định người tung tin thất thiệt nhằm gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân, thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người đó về hành vi Vu khống, quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù cao nhất 7 năm.

"Ví dụ tung tin thất thiệt xuất hiện virus corona trong một bệnh viện làm các bệnh nhân sợ hãi, rời khỏi nơi điều trị khiến bệnh viện thiệt hại, đó là dấu hiệu của tội vu khống", luật sư dẫn giải.

Trường hợp phao tin đồn sai sự thật nhằm xuyên tạc, câu like hoặc phục vụ cho mục đích kinh doanh qua mạng,... thì người đăng tin sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013, mức phạt tiền 20-30 triệu đồng đối với tổ chức, 10-15 triệu đối với cá nhân.

Còn luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp) cho rằng những thông tin sai sự thật, xuyên tạc tạo ra hoài nghi, hoang mang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội.

Do đó, cơ quan chức năng tùy vào tính chất, mức độ, mục đích và hậu quả gây ra để xử lý người tung tin đồn về hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 8, Luật An ninh mạng nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Người có hành vi này gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet với mức phạt tù lên đến 3 năm.

Còn nếu xác định tin đồn sai sự thật nhưng chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, không xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác và chưa ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì người tung tin sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013.

Theo các luật sư, đối với người sử dụng mạng xã hội để chia sẻ, lan truyền tin đồn thất thiệt, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ mục đích của việc làm này.

Nếu cá nhân chia sẻ nhưng không biết đó là tin thất thiệt và không vì động cơ, mục đích xấu thì được miễn xử lý. Tuy nhiên, người nào tìm kiếm, chia sẻ thông tin sai sự thật với động cơ, mục đích xấu hay tư lợi cá nhân thì đủ căn cứ xử lý.

Nguồn: Zing News

Tin mới