Sáng 22/9, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) chia sẻ: "Công ty JVE và liên danh tổng thầu Nhật Bản không có bất cứ yêu cầu, điều kiện ràng buộc nào với TP Hà Nội, không phải làm để tạo ra "BOT tâm linh"… Đây không phải dự án để Công ty JVE làm giàu, kiếm lợi nhuận hay dự án mà Nhật Bản coi là nơi kiếm thặng dư. Nếu chọn lựa nhuận thì chúng tôi không chọn dự án này".
Cũng tại buổi gặp mặt chia sẻ thông tin về giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên Lịch sử - Văn hóa – Tâm linh Tô Lịch" bằng nguồn vốn từ Nhật Bản, ông Tuấn Anh cho biết thêm đề án này dự kiến thực hiện trong vòng 5 năm từ 2021 đến 2026.
Theo ông, đề án này hoàn toàn xuất phát từ tình cảm của tổng thầu Nhật Bản dành cho Việt Nam, cũng như tình cảm của cá nhân ông sau 15 năm được Chính phủ Nhật Bản cấp học bổng toàn phần, chứ không phải cải tạo sông Tô Lịch để kiếm tiền từ dự án này.
Buổi gặp mặt chia sẻ thông tin về giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên Lịch sử - Văn hóa – Tâm linh Tô Lịch" do JVE tổ chức.
Thông tin về dự án, ông Tuấn Anh khẳng định, đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên Lịch sử - Văn hóa – Tâm linh" sẽ không lấy thêm quỹ đất bên ngoài sông. Nếu dự án được thực hiện sẽ chỉ triển khai bên trong phạm vi sông.
Về phương án quản lý khai thác sau đầu tư, ông Tuấn Anh cho biết, dự án cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên Lịch sử - Văn hóa – Tâm linh" là dự án công ích cho TP Hà Nội. Do vậy, sau khi hoàn thành, dự án sẽ do TP Hà Nội quản lý, vận hành, khai thác hay có cơ chế phối hợp với đơn vị bên ngoài…
Theo Công ty JVE, sau khi gửi đề xuất dự án cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên Lịch sử - Văn hóa – Tâm linh" đến Thành ủy Hà Nội, UBND TP Hà Nội, đến nay công ty chưa nhận được phản hồi cụ thể.
Ngày 15/9, JVE gửi công văn báo cáo tới lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội về việc đề xuất Giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ Nhật Bản.
Theo các chuyên gia Nhật, để có thể làm “sống lại” và “hồi sinh” sông Tô Lịch đúng nghĩa thì cần phải có giải pháp tổng thể để giải quyết toàn bộ các vấn đề như: vấn đề thu gom nước thải; vấn đề cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải; vấn đề xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối; vấn đề xử lý tầng bùn đáy; vấn đề xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông; vấn đề thoát nước chống ngập khi mưa bão; vấn đề bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh; vấn đề phát triển du lịch...
Phối cảnh dự án cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên Lịch sử - Văn hóa – Tâm linh".
"Lần này, phạm vi Dự án đề xuất không chỉ đơn thuần là xử lý môi trường mà còn có nội dung hết sức quan trọng là xây dựng hệ thống cảnh quan “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” và đặc biệt là đề xuất xây dựng cả hệ thống thoát lũ chống ngập đặt ngầm sâu dưới lòng sông để đảm bảo thoát lũ, chống ngập cho toàn bộ lưu vực sông Tô Lịch.
JVE được Nhật Bản giới thiệu thêm đối tác là một trong những Tổng thầu lớn nhất Nhật Bản đã từng có rất nhiều kinh nghiệm”, Chủ tịch HĐQT JVE cho biết.
Ngày 16/5/2019, dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản đã được khởi động. Sau khi triển khai, kết quả bước đầu được các chuyên gia đánh giá khả quan.
Tuy nhiên, đến tháng 7/2019, nước Hồ Tây 2 lần được xả vào sông Tô Lịch với lý do điều tiết nước, tránh ngập úng cho khu vực. Việc xả nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch làm ảnh hưởng tới việc thí điểm xử lý ô nhiễm trên dòng sông này bằng công nghệ Nano của các chuyên gia Nhật Bản. Cũng chính việc xả nước này đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Tháng 6/2020, JVE phủ nhận thông tin công ty này từ bỏ việc xử lý nước ô nhiễm trên sông Tô Lịch. JVE cho biết đang chuẩn bị báo cáo đề án cải tạo tổng thể gửi lãnh đạo Thành ủy Hà Nội về Dự án cải tạo sông Tô Lịch thành một khu thăm quan du lịch đẹp và ý nghĩa như dòng suối Cheonggyecheon giữa lòng thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
Về thông tin tài liệu liên quan mà các cơ quan của Hà Nội yêu cầu, Công ty JVE lý giải, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên các chuyên gia Nhật Bản chưa thể nhập cảnh vào Việt Nam và triển khai các nội dung như đã đề cập.