UAV Iran theo dõi tàu khu trục Mỹ trên vùng biển Ấn Độ Dương. (Nguồn: Fars News)
Truyền thông Iran cho biết đoạn video do một máy bay không người lái tấn công và trinh sát tầm xa (UAV) của nước này ghi lại. UAV này theo dõi tàu khu trục lớp Arleigh Burke của hải quân Mỹ đang di chuyển trong trong vùng biển quốc tế ở phía bắc Ấn Độ Dương trong gần 24 giờ.
Đoạn video được đăng tải ghi lại hình ảnh tàu chiến Mỹ vào ban ngày lẫn ban đêm. Hiện chưa rõ phía hải quân Mỹ có phát hiện UAV Iran hay không.
Cũng theo truyền thông Iran, UAV thực hiện nhiệm vụ trên có tên Ababil-5, được lệnh theo dõi tàu chiến Mỹ từ một căn cứ không quân của Iran ở Jask, một thị trấn cảng nhỏ thuộc tỉnh Hormozgan, phía đông nam Iran.
Ababil-5 (có nghĩa là 'Đàn chim' trong tiếng Farsi) được quân đội Iran giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2022. Đây là phiên bản nâng cấp tiếp theo của dòng UAV Ababil-1 - một trong những thiết kế máy bay không người lái đầu tiên của Iran được nước này phát triển và sử dụng trong Chiến tranh Iran-Iraq vào những năm 1980.
UAV Ababil-5 do Iran tự nghiên cứu và chế tạo. (Ảnh: Fars News)
Được sản xuất bởi Công ty công nghiệp và chế tạo Máy bay Iran (HESA), Ababil-5 có tầm hoạt động gần 500km và có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ trinh sát hoặc tấn công tầm xa với bốn tên lửa chống tăng dẫn đường Qaem-9 hoặc sáu quả bom dẫn đường chính xác. UAV được chế tạo bằng vật liệu hấp thụ radar, giúp nó tránh bị đối phương phát hiện.
Trước đó Ababil-5 từng tham gia các cuộc tập trận quy mô lớn của Iran dọc theo Vịnh Ba Tư và Vịnh Ô-man và có sự tham gia của hàng trăm máy bay không người lái, bao gồm cả máy bay không người lái tác chiến điện tử Kaman-19 lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng lẫn UAV "cảm tử" Arash.
Truyền thông Iran cho biết họ tự hào khi sở hữu các phương tiện trinh sát có thể theo dõi tất cả các tàu chiến nước ngoài hoạt động gần bờ biển Vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương như radar, máy bay không người lái, tàu ngầm, tàu tấn công nhanh mang tên lửa và vệ tinh giám sát.
Vào năm 2021, Đại tướng Kenneth McKenzie, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm của quân đội Mỹ (USCENTCOM) khi đó đã cảnh báo trước Quốc hội nước này rằng khả năng giám sát và tấn công của máy bay không người lái Iran đã tước đi ưu thế hoàn toàn trên không của Mỹ kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Iran coi máy bay không người lái là trụ cột chính trong khả năng phòng thủ của mình, bên cạnh hệ thống phòng không hiện đại và tên lửa tầm ngắn, trung bình và tầm xa. Trong đó tên lửa tầm ngắn được coi là công cụ răn đe hiệu quả chống lại nguy cơ can thiệp quân sự từ bên ngoài, bao gồm cả kẻ thù được trang bị vũ khí hạt nhân.
Tổ hợp công nghiệp - quân sự ngày càng tiên tiến và tự chủ của Iran cho phép nước này nghiên cứu và sản xuất các linh kiện như thiết bị điện tử quốc phòng. Điều này giúp Iran trở thành một trong 20 cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, trong khi chi tiêu chỉ bằng một phần nhỏ so với tiềm năng của mình.