Hôm 27/7, Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI), ông Mohammad Eslami nói rằng Iran sẽ tự xây dựng một lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân mới trong nước, gần thành phố Isfahan.
“Chúng tôi đang có kế hoạch chính thức bắt đầu xây dựng một lò phản ứng nghiên cứu tại khu hạt nhân Isfahan trong những tuần tới", Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI), ông Mohammad Eslami nói.
Các kỹ thuật viên làm việc tại lò phản ứng hạt nhân Arak, Iran. (Ảnh: AP)
Được xây dựng vào những năm 1980, trung tâm công nghệ hạt nhân Isfahan ở miền trung Iran là cơ sở nghiên cứu hạt nhân lớn nhất của nước này. Tại đây còn có một số lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân do Trung Quốc sản xuất, cũng như một nhà máy sản xuất nhiên liệu và cơ sở hạ tầng hạt nhân thiết yếu khác.
Theo người đứng đầu Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran, dự án do nước này tự xây dựng sẽ giúp Iran cuối cùng có quyền tiếp cận với chuỗi sản xuất năng lượng hạt nhân đầy đủ mà Tehran cần. Một số quốc gia không sẵn sàng hợp tác với Tehran trong vấn đề này.
Hôm 25/6, ông Mohammad Eslami thông báo Iran đã bắt đầu xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên trong nước. Nước này hiện có một lò phản ứng điện hạt nhân đang hoạt động - Bushehr, được khởi công từ những năm 1970 bởi các công ty Đức nhưng chỉ hoàn thành vào những năm 2010 nhờ sự hỗ trợ từ Nga.
Mới đây, Iran tuyên bố có khả năng chế tạo bom hạt nhân. Theo đó, Kamal Kharrazi - cố vấn cho lãnh đạo tối cao của Iran Ali Khamenei, cho biết về mặt kỹ thuật, Iran có khả năng chế tạo bom hạt nhân nhưng vẫn chưa quyết định có làm điều này hay không.
"Trong vài ngày, chúng tôi có thể làm giàu uranium lên đến mức 60%. Chúng tôi cũng có thể dễ dàng sản xuất uranium được làm giàu đến 90%. Iran có phương tiện kỹ thuật để sản xuất bom hạt nhân nhưng chưa quyết định chế tạo nó", ông Kharrazi nói.
Iran nhiều lần phủ nhận phát triển vũ khí hạt nhân, tuyên bố nước này làm giàu uranium cho mục đích dân sự. Tuy nhiên, Tehran cho biết sẽ chỉ quay lại thỏa thuận hạt nhân nếu Mỹ làm điều tương tự và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Iran đẩy mạnh các hoạt động hạt nhân trong vài năm qua. Việc mở rộng chương trình hạt nhân cua Tehran diễn ra sau động thái cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran vào năm 2018. Theo thỏa thuận này, Tehran sẽ cắt giảm làm giàu uranium để đổi lấy việc được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.
Các cuộc đàm phán giữa Iran và chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm đưa cả Washington và Tehran trở lại tuân thủ hiệp ước hạt nhân đã bị đình trệ kể từ tháng 3.