Trong tuyên bố đăng tải trên website của IRGC, họ cho biết việc bắt hai tàu chở dầu của Hy Lạp tại vịnh Ba Tư vì các vi phạm. Tuy nhiên, IRGC không cho biết cụ thể các vi phạm này là gì.
Phản ứng trước động thái của Iran, Hy Lạp chỉ trích vụ bắt tàu là hành vi "cướp biển". Bộ Ngoại giao Hy Lạp cho biết trực thăng Iran đã đáp xuống hai tàu chở dầu của nước này.
Tàu Prudent Warrior - một trrong 2 tàu dầu của Hy Lạp bị Iran bắt giữ. (Ảnh: AP)
Theo Bộ Ngoại giao Hy Lạp, một trong hai con tàu là Delta Poseidon bị IRGC bắt khi đang di chuyển trên vùng biển quốc tế. Một phát ngôn viên của công ty Polembros có trụ sở tại Athens cũng xác định chiếc tàu chở dầu thứ hai có tên là Prudent Warrior.
Bộ Ngoại giao Hy Lạp cảnh báo công dân Hy Lạp tránh đến Iran. Cơ quan này cũng gửi công hàm phản đối mạnh mẽ với Đại sứ Iran tại Athens, lên án vụ bắt giữ "bạo lực".
Quyết định của Iran khi bắt giữ các tàu chở dầu mang cờ Hy Lạp đánh dấu leo thang mới trong quan hệ song phương. Động thái này diễn ra sau khi Hy Lạp thông báo chuyển 115.000 tấn dầu của quốc gia Trung Đông trên tàu Pegas mang cờ Nga cho Mỹ.
Hồi tháng 4, tàu Pegas của Iran bị Hy Lạp bắt theo lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU). Số dầu trên tàu Pegas sẽ được chuyển tới Mỹ theo yêu cầu của Bộ Tài chính Mỹ trong việc thực thi lệnh trừng phạt đối với Iran.
Đáp trả, Bộ Ngoại giao Iran yêu cầu Hy Lạp thả tàu Pegas, tuyên bố việc chuyển số dầu có trên tàu cho Mỹ "vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế".
Iran cáo buộc Mỹ đã "vi phạm luật biển và các công ước quốc tế liên quan" và "kêu gọi ngay lập tức thả việc bắt giữ con tàu và hàng hóa trên tàu".
Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và các cường quốc vào năm 2018. Xuất khẩu dầu của Iran là một trong các mục tiêu chính trong đòn cấm vận của Washington đối với Tehran.