Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Intel, Coca Cola vào Việt Nam từ ‘thiên đường thuế'

Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thành lập công ty ở các “thiên đường thuế” rồi từ đó mới đầu tư hàng tỷ đô la vào Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thành lập công ty ở các “thiên đường thuế” rồi từ đó mới đầu tư hàng tỷ đô la vào Việt Nam, trong đó có Intel, Coca Cola,...

GDP 1 tỷ USD, đầu tư vào Việt Nam 20 tỷ

Hàng chục tỷ USD từ các “thiên đường thuế” trên thế giới như BritishVirgin Islands (BVI), Cayman Islands, đảo Cyprus, Mauritius, Bahamas,... đã đổ vào Việt Nam nhiều năm qua. Trong số các “thiên đường thuế” nổi tiếng này, BritishVirgin Islands là nơi xuất phát của nhiều vốn đầu tư chảy vào Việt Nam.

Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho thấy, tính đến tháng 4/2016, “thiên đường thuế” BVI đang đứng vị trí thứ 5 trong top các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 600 dự án, tổng số vốn lên tới gần 20 tỷ USD. Cayman Islands đứng thứ 12 với 6,3 tỷ USD,...

Bộ KH-ĐT nên có tổng kết, đánh giá riêng để không ảnh hưởng đến các DN có xuất xứ BVI nhưng làm ăn hợp pháp.

 
Ngoài ra, Singapore và Hồng Kông cũng là hai địa chỉ được nhiều tập đoàn đa quốc gia chọn là nơi đặt công ty rồi đầu tư vào Việt Nam. Đơn cử, nhiều dự án của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) cũng “rót” vốn vào Việt Nam thông qua chi nhánh ở Singapore.

Khi thống kê số liệu về vốn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, Bộ KH-ĐT cũng phải thừa nhận, con số thống kê từ Mỹ chưa phản ánh hết dòng vốn “gốc Mỹ” vào Việt Nam. Bởi, một số công ty Mỹ như Tập đoàn Intel, Coca Cola, Procter&Gamble, ConocoPhillips,... rót vốn vào Việt Nam thông qua các chi nhánh, công ty con, có đăng ký tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác như BVI, Singapore, Hồng Kông,...

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, đánh giá: Nhiều thông tin nói GDP của BVI chỉ vỏn vẹn hơn 1 tỷ USD. Ai cũng ngầm hiểu, các nhà đầu tư “mượn” BVI đăng ký thành lập doanh nghiệp vào Việt Nam, hưởng ưu đãi thuế tại “thiên đường thuế” này, như thuế thu nhập DN bằng 0, thuế thu nhập cá nhân rất thấp,...

Tất nhiên, không chỉ riêng ở Việt Nam, họ còn mang tiền đi đầu tư ở rất nhiều nước khác trên thế giới.

“Khi các DN đó vào Việt Nam, chúng ta cũng chưa có đánh giá, tổng kết gì về hiệu quả, tỷ lệ vốn giải ngân trên vốn đăng kí, vốn rút khỏi dự án trên vốn đăng ký, số dự án không thực hiện và chậm triển khai cũng như thái độ chấp hành pháp luật Việt Nam và quốc tế. Liệu có bao nhiêu công ty đã giải thể ngay sau khi vào Việt Nam?”, ông Nguyễn Văn Toàn nói và khẳng định, đến nay, việc đầu tư từ các thiên đường thuế vào Việt Nam là “ hết sức bình thường”.

Không những thế, BVI và các điểm tương tự khác còn được coi là nơi trú ẩn của những dòng “tiền bẩn”, và những dòng tiền ấy từ đây sẽ được “chảy” vào các quốc gia khác thông qua các dự án đầu tư nhằm “rửa tiền”.

Vì vậy, theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, riêng đối với các dự án đến từ các “thiên đường thuế”, Bộ KH-ĐT nên có tổng kết, đánh giá riêng để không ảnh hưởng đến các DN có xuất xứ BVI nhưng làm ăn hợp pháp.

“Nếu họ đăng ký doanh nghiệp ở các thiên đường thuế chỉ vì tối đa hóa lợi nhuận, lách luật hợp pháp thì chúng ta chả làm gì được”, ông Nguyễn Văn Toàn khẳng định.

Thất thu hàng chục triệu USD


Ngoài những lợi ích về thuế như trên, doanh nghiệp đăng ký ở các “thiên đường thuế” còn có nhiều “cơ chế đặc thù” khác, như thông tin về chủ sở hữu, cổ đông, giám đốc và cán bộ không cần nộp cho chính quyền, và tất nhiên cả với công chúng. Công ty thành lập tại BVI cũng không có nghĩa vụ phải lập, nộp các báo cáo tài chính kế toán hay chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan tài chính có thẩm quyền của BVI,...

 

Việt Nam đang phải đối mặt trong việc thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài khi nhiều “đại gia” FDI tên tuổi liên tục báo lỗ.

Theo các chuyên gia, đây là một trong những cơ sở thuận lợi để các doanh nghiệp có hành vi chuyển giá lợi dụng. Đây chính là vấn nạn Việt Nam đang phải đối mặt trong việc thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài khi nhiều “đại gia” FDI tên tuổi liên tục báo lỗ.

TS Nguyễn Chiến Thắng, phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng để Việt Nam có thể chống được chuyển giá nhất định cần có cơ chế phối hợp giữa hai Chính phủ để cùng rà soát, đối chiếu các dữ liệu. Nếu không, rất khó để chống chuyển giá.

Thực tế, từ trước đến nay, Bộ Tài chính đã phát hiện các hình thức chuyển giá thông qua hoạt động giao dịch liên kết điển hình, như: nâng vốn góp bằng việc nâng giá trị máy móc, thiết bị và công nghệ; bán hàng hoá, nguyên vật liệu thấp hơn nhiều so với giá bán cho các bên không có quan hệ liên kết; định giá tiền bản quyền thương hiệu rất cao so với giá trị thực,...

Thế nhưng chưa một “đại gia” FDI nào bị Việt Nam kết luận là có hoạt động chuyển giá, tất cả vẫn chỉ dừng lại ở “dấu hiệu”, “nghi vấn”.

Trong một hội thảo giữa tháng 4 năm nay, Tổ chức ActionAid đã trình bày báo cáo về tình trạng tránh thuế của doanh nghiệp FDI ở Việt Nam. Từ năm 2012, số tiền mất đi do các doanh nghiệp FDI né thuế đã lên tới hơn 20 triệu USD, chủ yếu thông qua hình thức chuyển giá.

Còn năm 2013, dẫn số liệu từ Tổng cục Thuế, Action Aid cho biết 83% DN nước ngoài đang sử dụng nhiều mánh khóe khác nhau nhằm giảm tối đa số tiền thuế phải nộp.

“Các doanh nghiệp FDI luôn biết lợi dụng tiềm lực tài chính to lớn của mình cũng như các kẽ hở pháp lý và cấu trúc đa quốc gia để tránh thuế”, tổ chức này nhận định.

Chuyên gia kinh tế TS. Bùi Trinh chia sẻ: “Từ năm 2007 đến nay khi điều tra, tôi thấy rất ít DN FDI nào làm ăn có lãi. đa số DN lỗ trước thuế. Như vậy sẽ không phải đóng thuế thu nhập DN. Người ta cho rằng các DN này lỗ là chuyển giá, nhưng lại chẳng có bằng chứng gì.

“Doanh nghiệp FDI đầu tư vào VN dù từ thiên đường thuế hay ở đâu đi nữa thì từ trước đến nay chúng ta đều để thất thu thuế quá nhiều, trong khi đó lại đè đầu DN nội để thu”, ông Bùi Trinh bức xúc.


Nguồn: Vietnamnet

Nguồn:

Tin mới