Ngày 7/10, Hamas, lực lượng người Palestine kiểm soát dải Gaza tấn công Israel. Cuộc tấn công giết chết 1.300 người, hàng chục con tin bị bắt. Ngay lập tức, Israel đáp trả bằng vũ lực, cùng với các cuộc tấn công tiếp diễn của Hamas, khiến hơn 2.700 người thiệt mạng và gần 10.000 người bị thương.
Đây không phải lần đầu cư dân của dải đất rộng 360 km2 nằm giữa Ai Cập, Israel và Địa Trung Hải phải đối mặt với thảm kịch. Quá khứ của mảnh đất nằm trong sự phong tỏa ngột ngạt và hàng loạt cuộc chiến tranh.
Là một cảng biển và thương mại cổ xưa, Gaza từ lâu đã là một phần của khu vực địa lý được gọi là Palestine. Vào đầu thế kỷ 20, nơi đây chủ yếu là nơi sinh sống của người Ả Rập theo đạo Hồi và Thiên chúa giáo sống dưới sự cai trị của Ottoman. Dải đất nhỏ giáp Israel và Ai Cập bên biển Địa Trung Hải.
Bản đồ mật độ dân số dải Gaza và Israel. (Việt hóa: Huy Mạnh)
Vùng lãnh thổ bị người Anh chiếm giữ vào năm 1917, trong Thế chiến thứ nhất. Khi đó, tại Palestine, ngoài việc “cung cấp hỗ trợ và tư vấn hành chính”, Ủy trị của Anh còn kết hợp đưa ra “Tuyên bố Balfour” năm 1917, bày tỏ sự ủng hộ đối với việc “thành lập ở Palestine một ngôi nhà-quốc gia cho người Do Thái”.
Trong thời kỳ ủy trị của Anh đến năm 1947, đã diễn ra cuộc nhập cư quy mô lớn của người Do Thái, chủ yếu từ Đông Âu, đến khu vực. Con số tăng vọt vào những năm 1930 do cuộc đàn áp của Đức Quốc xã. Những yêu cầu độc lập của người Ả Rập - Palestine và phản đối việc nhập cư đã dẫn đến một cuộc nổi dậy vào năm 1937, sau đó là tình trạng khủng bố và bạo lực tiếp diễn từ cả hai phía. Vương quốc Anh đã cân nhắc nhiều công thức khác nhau để mang lại độc lập cho vùng đất bị tàn phá bởi bạo lực.
Năm 1947, Anh chuyển vấn đề Palestine sang Liên hợp quốc và tổ chức này đã bỏ phiếu phân chia đất đai. Anh sớm rút lui. Năm 1948, nhà nước Israel được thành lập.
Sau khi xem xét các lựa chọn thay thế, Liên hợp quốc đề xuất chấm dứt Ủy trị và chia Palestine thành hai quốc gia độc lập, một của người Ả Rập Palestine và một của người Do Thái. Đề xuất không được chấp thuận và các xung đột tiếp tục diễn ra.
Phân chia ranh giới kiểm soát giữa các khu vực của Israel và Palestine xung quanh dải Gaza. (Đồ họa: Huy Mạnh)
Trong cuộc chiến tranh thành lập nhà nước Israel năm 1948, quân đội Israel đã ném bom 29 ngôi làng ở miền nam Palestine, khiến hàng chục nghìn dân làng phải chạy trốn đến dải Gaza, dưới sự kiểm soát của quân đội Ai Cập được triển khai sau khi Israel tuyên bố độc lập. Hầu hết họ và con cháu của họ vẫn còn ở đó cho đến ngày nay.
Sau Chiến tranh Sáu ngày năm 1967 giữa Israel và các nước láng giềng Ả Rập, dải Gaza nằm dưới sự chiếm đóng của quân đội Israel.
Người Palestine đã tổ chức hai cuộc nổi dậy lớn vào năm 1987-1991 và 2000-2005 với hy vọng chấm dứt sự chiếm đóng và thành lập một nhà nước Palestine độc lập.
Hamas, một nhóm chiến binh Hồi giáo Palestine tập trung ở Gaza, được thành lập năm 1988 để chiến đấu chống lại sự chiếm đóng của Israel. Hamas và các nhóm chiến binh khác đã liên tục tiến hành các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Israel ở Gaza, dẫn đến việc Israel đơn phương rút quân khỏi Gaza vào năm 2005.
Năm 2006, cuộc bầu cử lập pháp của người Palestine được tổ chức. Hamas đánh bại đối thủ, Fatah, vốn bị nhiều người cáo buộc tham nhũng thời điểm đó. Các cuộc bầu cử đã không được tổ chức ở Gaza kể từ năm 2006.
Sau một cuộc xung đột ngắn giữa các chiến binh Hamas và Fatah vào tháng 5/2007, Hamas nắm quyền kiểm soát hoàn toàn dải Gaza. Kể từ đó, Gaza nằm dưới sự kiểm soát hành chính của Hamas, mặc dù Liên hợp quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ và các cơ quan quốc tế khác vẫn coi vùng này là do Israel chiếm đóng.
Hàng loạt biến cố đã xảy ra xung quanh dải đất hẹp ở bờ Địa Trung Hải. (Đồ họa: Huy Mạnh)
Bất chấp việc rút khỏi Gaza, kể từ năm 2007, Israel vẫn duy trì quyền kiểm soát chặt chẽ lãnh thổ thông qua phong tỏa trên bộ, trên không và trên biển. Trong gần 17 năm, Gaza gần như bị cắt đứt hoàn toàn với phần còn lại của thế giới, với những hạn chế nghiêm ngặt đối với việc di chuyển hàng hóa và con người.
Việc phong tỏa đã bị các cơ quan quốc tế bao gồm cả Liên hợp quốc chỉ trích gay gắt. Trong một báo cáo năm 2022, tổ chức này cho biết các hạn chế đã có “tác động sâu sắc” đến điều kiện sống ở Gaza và đã “làm suy yếu nền kinh tế của Gaza, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao, mất an ninh lương thực và phụ thuộc vào viện trợ”.
Israel cho biết việc phong tỏa là rất quan trọng để bảo vệ công dân của họ khỏi Hamas.
Bilal Saab, thành viên cấp cao và giám đốc sáng lập chương trình quốc phòng và an ninh tại Viện Trung Đông, cho biết: “Israel lo ngại rằng nếu không có lệnh phong tỏa, Hamas sẽ có cách tiếp cận dễ dàng hơn trong việc buôn lậu vũ khí và tự trang bị vũ khí cho mình”.
Mặc dù vậy, ông nói với CNN, “thành thật mà nói thì điều này chưa thực sự có tác dụng do cơ sở hạ tầng đường hầm khổng lồ mà tổ chức (Hamas) đã xây dựng trong nhiều năm”.