"Chúng tôi nhắc lại với Phó đại sứ Trung Quốc rằng vùng EEZ của Indonesia không chồng lấn với vùng biển của Trung Quốc", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah nhấn mạnh hôm 14/9.
Ông này nói thêm rằng Jakarta yêu cầu Trung Quốc giải thích về vụ việc xảy ra ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia.
Theo ông Teuku Faizasyah, tàu cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 5204 bị radar của Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia Bakamla phát hiện lúc 10h sáng 12/9 trong vùng biển của Indonesia.
Tàu KN Nipah 321 của Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia đang thực hiện tuần tra trên vùng biển này đã tăng tốc tiếp cận, áp sát và liên lạc với tàu Trung Quốc qua bộ đàm. Tuy nhiên, phía tàu Trung Quốc khẳng định họ cũng đang tiến hành tuần tra an ninh trên vùng biển thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Tàu tuần tra của Indonesia trục xuất tàu hải cảnh Trung Quốc tại vùng biển Natuna. (Ảnh: Tribunnews)
Bakamla cho biết tàu tuần tra của Indonesia đã "tranh cãi qua vô tuyến" với tàu Trung Quốc, buộc con tàu này phải rời khỏi vùng EEZ của Indonesia vào trưa 14/9.
"Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc nói rằng họ đang tuần tra trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Chúng tôi mạnh mẽ bác bỏ tuyên bố này và khẳng định đây là EEZ của chúng tôi", phát ngôn viên Wisnu Pramandita của Bakamla khẳng định.
Ông Wisnu nói thêm rằng tàu Trung Quốc hoạt động trong EEZ của Indonesia từ 12/9 cho tới 11h30 trưa 14/9.
Indonesia nhiều lần khẳng định nước này không phải bên tranh chấp trong vấn đề Biển Đông, nhưng các yêu sách về quyền và lợi ích biển tại một số phần ở Biển Đông của Trung Quốc chồng lấn với EEZ của Indonesia xung quanh quần đảo Natuna.
"Trung Quốc những năm gần đây tiến tới khẳng định các yêu sách quyền tài phán trong đường 9 đoạn. Tàu hải cảnh và tàu cá Trung Quốc gia tăng hiện diện trong vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna. Điều này trở nên bình thường với Trung Quốc dù nó không hề được Indonesia hoan nghênh", Ian Storey, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak cho hay.
Trong khi đó, ông Collin Koh tới từ Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cho biết, vụ việc mới đây là một thách thức với Indonesia.
Theo ông này, diễn biến mới đây chỉ làm nổi bật vấn đề dai dẳng mà Indonesia phải đối mặt là Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi yêu sách về đường 9 đoạn dù nó bị bác bỏ trong phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016.
“Thay vì nói Trung Quốc hung hăng hơn, có lẽ nói đúng hơn là Trung Quốc vẫn hung hăng như vậy", ông này nhận định.