Phát biểu khai mạc Hội thảo quản lý tiềm năng xung đột ở Biển Đông lần thứ 32 tại tỉnh Banten (Indonesia), người đứng đầu Cơ quan Chính sách chiến lược đối ngoại thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Yayan G.H. Mulyana nói rõ: “Chúng ta cần tăng cường phối hợp và hợp tác nhằm vượt qua các thách thức chung”.
Cảnh báo rằng các rạn san hô ở phía Đông Nam Biển Đông đã bị phá hủy do đánh bắt quá mức, thiên tai, hiện tượng tẩy trắng và biến đổi khí hậu, ông Yayan nhấn mạnh: “Chúng ta cần vượt qua thách thức này và cần hợp tác cùng nhau nhằm phát huy tối đa khoa học, công nghệ và đổi mới”.
Quan chức ngoại giao Indonesia này cũng cho rằng các nước Đông Nam Á và Trung Quốc cần “nuôi dưỡng” thói quen giao tiếp, đối thoại và hợp tác để mở đường cho các thế hệ tương lai. Cuối cùng, ông Yayan cho rằng trước những thay đổi nhanh chóng về bối cảnh chính trị-xã hội, cách tốt nhất để ngăn chặn xung đột tiềm ẩn là đối thoại và liên lạc thường xuyên để có thể tìm kiếm các giải pháp chung tốt nhất.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo về tiến trình thực hiện các dự án hợp tác cũng như đề xuất về các dự án hợp tác mới nhằm tăng cường hợp tác, đối thoại, qua đó xây dựng lòng tin và quản lý các xung đột tiềm ẩn, giảm căng thẳng ở Biển Đông. Các đại biểu đã đánh giá cao tầm quan trọng và ý nghĩa của hội thảo trong suốt hơn 30 năm qua và nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ hội thảo để xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, phát triển và thịnh vượng.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, Cuộc họp lần thứ 18 Nhóm công tác về nghiên cứu thủy triều và mực nước biển dâng và tác động của quá trình này đối với môi trường ven biển trong khu vực Biển Đông đã được tổ chức và tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, đặc biệt là công tác quản lý, bảo tồn các rạn san hô.
Hội thảo quản lý tiềm năng xung đột ở Biển Đông lần thứ 32 do Bộ Ngoại giao Indonesia phối hợp với Cơ quan Thông tin địa không gian và Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của gần 70 đại biểu đến từ Việt Nam, Brunei, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar và Đài Loan (Trung Quốc). Đây là chuỗi hội thảo thường niên được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1990 theo sáng kiến của Indonesia, giữa 10 nước trong khu vực Đông Nam Á với Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan. Mục đích của hội thảo là tạo diễn đàn để đại diện các nước và vùng lãnh thổ trao đổi về các dự án hợp tác, qua đó tăng cường hợp tác, đối thoại trong khu vực Biển Đông.
Đoàn Việt Nam do bà Khuất Duy Lê Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế Bộ Ngoại giao làm trưởng đoàn đã tham dự hội thảo và có nhiều đóng góp tích cực với 3 bài trình bày về kinh nghiệm quản lý các rạn san hô ở Việt Nam, nghiên cứu về sóng biển tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ, và Hiệp định bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại vùng ngoài quyền tài phán quốc gia trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.