Christine Lagarde, Giám đốc điều hành IMF, trong một thông báo ngắn gửi các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G-20, cho rằng, việc đánh thuế thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ khiến cho tổng sản lượng GDP toàn cầu giảm tới 455 tỷ USD vào năm 2020. Con số này lớn hơn quy mô nền kinh tế Nam Phi.
Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế IMF Christine Lagarde. (Ảnh: IBT Times)
Trong bài viết, lãnh đạo IMF tính toán rằng, chủ nghĩa bảo hộ tăng cường sẽ cắt giảm 0,3% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu vào năm 2020. Cùng với thuế quan được công bố từ năm 2018, tổng tác động sẽ là 0,5%. "Khoản này làm thiệt hại khoảng 455 tỷ USD, lớn hơn quy mô của nền kinh tế Nam Phi", bà Lagarde nói, cho biết thêm, có bằng chứng rõ ràng về việc Mỹ, Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu đều "thua cuộc" trong những va chạm thương mại này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho đến nay phớt lờ những cảnh báo từ IMF và các tổ chức quốc tế khác, về tác động của các biện pháp trừng phạt thương mại của Mỹ. Tuần trước, ông Trump đe dọa áp thuế với hàng hóa Mexico nếu nước này không kiểm soát dòng người nhập vào Mỹ. Washington cho biết mức thuế 5% với tất cả hàng hóa Mexico sẽ được áp dụng và tăng lên 25% vào tháng 10.
Tuy nhiên hôm 7/6, sau khi đạt được một thỏa thuận với Mexico, ông Trump tuyên bố hoãn chương trình thuế quan này.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã phát tín hiệu chuẩn bị cắt giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang sụt giảm. Theo báo cáo việc làm của cơ quan việc làm liên bang, khu vực tư nhân chỉ tạo ra 27.000 việc làm, thấp nhất trong gần một thập niên.
Bà Lagarde cho biết, trong khi có một số bằng chứng cho thấy nền kinh tế toàn cầu có thể đang ổn định thì "những cản trở" khác có thể ngăn sự phục hồi. "Quan trọng nhất, ngày càng có nhiều lo ngại về tác động của căng thẳng thương mại hiện nay. Rủi ro là thuế quan mới giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm giảm đầu tư, năng suất và tăng trưởng."
Christine Lagarde nhấn mạnh sự quan tâm ngày càng tăng của IMF đối với căng thẳng thương mại nghiêm trọng nhất kể từ những năm 1930 và nói rằng, cần phải tránh "những vết thương tự mình gây ra".
"Đây là những vết thương tự gây ra phải tránh. Bằng cách nào? Bằng cách loại bỏ các rào cản thương mại gần đây và tránh các rào cản tiếp theo dưới bất kỳ hình thức nào" - lãnh đạo IMF cho biết.
Tổng thống Trump nói rằng thuế quan Mỹ được thiết kế để bảo vệ người lao động khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh của Trung Quốc, nhưng bà Lagarde cho biết biện pháp này đã khiến giá cả hàng hóa tăng lên.
"Thực tế là các biện pháp bảo hộ không chỉ làm tổn hại đến tăng trưởng và việc làm, mà còn khiến hàng tiêu dùng trở nên đắt đỏ hơn, gây thiệt hại lớn cho các hộ gia đình có thu nhập thấp", IMF cảnh báo.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo các cuộc chiến tranh thương mại của Mỹ với Trung Quốc, Mexico và châu Âu đã khiến đầu tư toàn cầu ảnh hưởng nặng nề. Theo WB, chiến tranh thương mại cùng với những bất ổn chính trị ở một số khu vực có thể đẩy mức tăng trưởng thế giới xuống 2,6% trong năm nay, giảm so với dự báo 2,9% hồi tháng 1 và 3% năm ngoái. Đây sẽ mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2016.