Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến tuyển sinh 2.400 chỉ tiêu (ổn định như năm 2022), trong đó 1.950 chỉ tiêu cho hệ chính quy cấp bằng thứ nhất và 450 em vào hệ chính quy cấp bằng thứ hai. Chi tiết phương án tuyển sinh: Xem tại đây.
Năm nay trường tiếp tục không tổ chức kỳ thi năng khiếu báo chí, thay vào đó xét tuyển bằng 4 phương thức truyền thống: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT, tuyển thẳng, xét kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ và xét học bạ. Đây là năm thứ 3 liên tiếp trường không tổ chức kỳ thi này.
Trường chia các chương trình đào tạo thành bốn nhóm, gồm: nhóm 1 (báo chí), nhóm 2 (các ngành khối lý luận), nhóm 3 (ngành Lịch sử, chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam) và nhóm 4 (các ngành về truyền thông, quảng cáo, quan hệ quốc tế).
Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Với xét học bạ, trường dành 15% chỉ tiêu (giảm 5% so với năm trước). Tùy nhóm ngành, điểm xét tuyển sẽ bằng tổng điểm trung bình năm học kỳ THPT (trừ kỳ II lớp 12), điểm trung bình năm học kỳ các môn Ngữ văn, hoặc Lịch sử hoặc tiếng Anh.
Nếu đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh hoặc giải khuyến khích quốc gia, thí sinh được cộng 0,1 - 0,3 điểm. Trường hợp có chứng chỉ tiếng Anh, điểm cộng dao động 0,1 - 0,5.
Với xét chứng chỉ ngoại ngữ kết hợp học bạ (15% chỉ tiêu), trường ưu tiên xét tuyển với thí sinh có IELTS tối thiểu 6.5 hoặc các chứng chỉ tiếng Anh tương đương khác (năm ngoái trường xét 5.5 IELTS). Ngoài ra, các em phải đảm bảo đạt điểm trung bình không dưới 7, hạnh kiểm tốt trong năm kỳ bậc THPT (tính đến kỳ I lớp 12). Riêng với các chương trình thuộc nhóm Báo chí, điểm học bạ môn Văn trong năm kỳ phải từ 7 trở lên.
Bảng quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Với xét kết quả từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, trường dành 70% chỉ tiêu. Các tổ hợp được dùng để xét tuyển gồm A16 (Toán, Văn, Khoa học tự nhiên), C00 (Văn, Sử, Địa), C03 (Văn, Toán, Sử), C15 (Văn, Toán, Khoa học xã hội), D01 (Văn, Toán, tiếng Anh), D14 (Văn, Sử, tiếng Anh), D72 (Văn, Khoa học tự nhiên, tiếng Anh) và D78 (Văn, Khoa học xã hội, tiếng Anh).
Với tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT, trường chỉ tiêu không hạn chế. Nếu không tuyển đủ thí sinh bằng xét học bạ và chứng chỉ tiếng Anh, chỉ tiêu còn lại sẽ được chuyển cho phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Về học phí, nhà trường dự kiến các ngành đào tạo lý luận chính trị (Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh) được miễn học phí.
Các ngành khác hệ đại trà dự kiến: 506.900 đồng/tín chỉ (toàn khóa 143 tín). Hệ chất lượng cao 1.470.010 đồng/tín (chưa bao gồm 13 tín chỉ Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng - An ninh).
Lộ trình tăng học phí cho từng năm theo hướng dẫn của Chính phủ và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Năm ngoái, điểm chuẩn Học viện Báo chí và Tuyên truyền dao động 22,8 - 29,25 điểm theo thang 30, từ 33,33 đến 37,6 theo thang 40 điểm.
Theo thang điểm 30, ngành Truyền thông đa phương tiện lấy điểm cao nhất 29,25 xét tổ hợp C15. Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước lấy điểm chuẩn thấp nhất 22,8 xét tổ hợp A16.
Theo thang 40, ngành Quan hệ công chúng chuyên nghiệp có điểm cao nhất với 37,6 điểm, xét theo tổ hợp khối D78, R26. Xếp thứ hai là chuyên ngành Lịch sử với 37,5 điểm, xét theo tổ hợp C19. Mức điểm chuẩn cao thứ ba là chuyên ngành Báo truyền hình với 37,19 điểm xét tổ hợp D78, R26.