Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Huyền tích về những cây di sản trăm năm tuổi trên núi Ngũ Hành

(VTC News) -

Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng không chỉ hấp dẫn du khách với hệ thống hang động, chùa chiền mà còn bởi những huyền tích về quần thể cây di sản 200-600 tuổi.

Bên cạnh hệ thống chùa chiền, hang động núi đá độc đáo, di tích cấp quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) còn sở hữu quần thể cây di sản có tuổi đời từ hơn 200 đến hơn 610 năm, mang trong mình những câu chuyện mầu nhiệm, huyền bí. Quần thể này được Hội đồng Cây di sản Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam vào ngày 7/1/2017.

Đầu tiên phải nhắc đến 2 cây bàng “cái” và “đực” trước sân chùa Tam Thai. Theo các sư thầy và bậc cao niên địa phương, đối chiếu những sự kiện lịch sử tại Ngũ Hành Sơn thì có thể 2 cây bàng này được trồng vào thời vua Minh Mạng, khi ông cho trùng tu và phong Quốc tự Tam Thai (năm 1825).

Người dân địa phương cho rằng, sự đặc biệt của 2 cây bàng có âm và có dương, có “đực” và “cái”. Lý do ngẫu nhiên một cây bàng bên phải của chùa có một bìu thịt dư lồi ra khá to người ta gọi là bàng “đực”, cây bên trái có một khe lõm vào, người ta gọi là bàng “cái”.

Đến nay, người ta vẫn truyền rằng, những đôi nam nữ đang yêu, dắt nhau lên Ngũ Hành Sơn cầu duyên thì người nam áp má vào cây bàng “đực”, người nữ áp má vào cây bàng “cái”, sau đó vào động Huyền Không trình diện, nguyện cầu “ông Tơ, bà Nguyệt” se duyên thì cuộc tình sẽ đi đến bến bờ hạnh phúc.

Trong quần thể cây di sản tại Ngũ Hành Sơn, đặc biệt phải nhắc đến cây Đa (cây sộp) ngay sau Linh Ứng tự, có niên đại khoảng hơn 600 năm. Cây đa ở Linh Ứng tự thuộc diện là “Cây cảnh đại thụ” ôm gọn một “hòn non bộ khổng lồ”.

Cây đa tồn tại trên núi đá vôi, gốc và hệ thống rễ bao phủ, to đến độ hàng chục người ôm không xuể, cao khoảng 30m và thế cây bao trùm, che chở cho toàn bộ ngôi cổ tự, tạo cảm giác thâm u và uy nghiêm chốn cửa Phật.

Huyền tích về “cụ đa” kể rằng, vào những năm 70 (thế kỷ trước), khi trùng tu chùa Linh Ứng, đến lúc làm mái thì vướng một số cành đa. Lúc ấy, sư chủ trì bảo rằng để thầy khấn vái rồi hãy chặt cành. Hôm sau, sư thầy đi vắng, anh thợ cả nóng ruột, chặt mấy cành để thi công. Không ngờ ngày hôm sau người thợ này phát ốm, sốt cao, uống thuốc mấy ngày không khỏi. Sư thầy nghe vậy lập đàn khấn vái cầu an anh ta mới khỏe lại và tiếp tục công việc nhưng không dám đụng vào cây nữa. Đến bây giờ, cây vẫn phát triển rất tốt, hệ thống rễ tiếp tục vươn xa, ôm trọn "hòn non bộ" là núi đá vôi để nuôi dưỡng những mầm xanh tỏa bóng che chở cho Linh Ứng tự.  

Trong quần thể cây di sản trên núi Ngũ Hành, phía sau chùa Tam Thai là cây thị có niên đại 205 tuổi.

Những ngày cuối đông, đầu xuân 2023, cây thị đang đầm chồi nẩy lộc, tỏa bóng mát bao phủ ngôi chùa.  

Còn sau lưng Linh Ứng tự, bên lối dẫn vào Tàng Chơn động là 3 cây bồ kết có tuổi đời hơn 210 năm cũng được công nhận là Cây di sản Việt Nam vào năm 2017.

Tuy nhiên, hiện chỉ còn 2 cây sống, thế tựa vào nhau, 1 cây đứng riêng đã bị chết vì sâu mục, buộc Ban Quản lý khu dánh thắng Ngũ Hành Sơn phải cưa bỏ để đảm bảo an toàn cho du khách khi tham quan động Tàng Chơn. Theo lãnh đạo Ban Quản lý khu dánh thắng đặc biệt Ngũ Hành Sơn, không chỉ hệ thống hang động, chùa chiền, ma nhai, quần thể cây di sản cũng là báu vật, là lịch sử của danh thắng, cần được bảo vệ, chăm sóc đặc biệt. "Du khách đến với Ngũ Hành Sơn, đừng lấy đi thứ gì ngoài những bức ảnh, đó là thông điệp của chúng tôi", vị lãnh đạo gửi gắm.

XUÂN TIẾN

Tin mới