Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Huyền thoại đặc công nước kể 5-6 tiếng ngụp lặn mang pháo giải phóng Sài Gòn

(VTC News) -

Chiến sĩ đặc công nước huyền thoại Nguyễn Đức Thọ kể giờ khắc ông và đồng đội lặn 5-6 tiếng đồng hồ mang pháo và thuốc nổ để giải phóng Sài Gòn.

Trầm mình dưới nước nhiều giờ

Một ngày cuối tháng 4, theo chỉ dẫn chúng tôi đến UBND phường 4 (quận 8, TP.HCM) tìm gặp Trung úy Nguyễn Đức Thọ, cựu sĩ quan đặc công thuộc Lữ đoàn Đặc công Biệt động 316, người từng khiến quân thù khiếp sợ khi đánh chiếm, bảo vệ cầu Rạch Chiếc để Quân đoàn 4 tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Đến bãi gửi xe của UBND phường, gặp bác bảo vệ có vẻ ngoài giản dị, chất phác, chúng tôi hỏi về nhân vật “bí ẩn” đang nóng lòng muốn gặp. Tay cầm tập vé xe, bác bảo vệ tròn mắt hoài nghi: “Tôi là Nguyễn Đức Thọ đây, ở đây chỉ có mỗi tôi tên này”. Nói rồi, ông cười lớn, tiếng cười rất hào sảng.

Chúng tôi chợt hiểu, đây chính là người sĩ quan đặc công lẫy lừng, người bắn phát súng B40 đầu tiên mở màn trận đánh cầu Rạch Chiếc năm xưa.

Ông cho biết, cả tuổi trẻ của mình, ông hiến dâng cho cách mạng. Khi bước vào tuổi xế chiều, ông thầm lặng gắn bó với công việc bảo vệ UBND phường đến nay đã 28 năm.

Lật từng trang sổ tay cá nhân, ông như sống lại những năm tháng hào hùng. Giọng nói, ánh mắt ông thay đổi nhanh chóng, không còn là bác bảo vệ giản dị, chất phác mà bỗng trở thành người lính sục sôi tinh thần chiến đấu.

Người cựu binh năm xưa hào hứng khi kể cho chúng tôi về những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khuôn mặt ông rạng rỡ, và đôi mắt ánh lên những tia sáng tự hào.

Theo ông Thọ, đầu năm 1975, tình hình chiến sự rất cam go, địch bủa vây rộng khắp. Các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Bộ Tư lệnh đã đánh chiếm. Chiến trường Đông Nam Bộ cũng đã rục rịch chuẩn bị. Lữ đoàn Đặc công Biệt động 316 của ông được giao nhiệm vụ đánh Bộ Tư lệnh Hải quân địch.

Trung úy Nguyễn Đức Thọ (65 tuổi, quê Thanh Hoá), cựu sĩ quan đặc công thuộc Lữ đoàn Đặc công Biệt động 316.

Tháng 4/1975, sau khi thất bại tại Xuân Lộc (Đồng Nai), địch co cụm về Sài Gòn tử thủ. Lúc bấy giờ, cầu Rạch Chiếc là một trong 4 cụm phòng ngự trọng yếu của địch trên tuyến xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa (Đồng Nai), được chính quyền Sài Gòn tăng cường hàng nghìn quân lính cùng nhiều vũ khí hiện đại canh giữ.

"Không chỉ là canh giữ, lúc đó chính quyền Sài Gòn thậm chí sẵn sàng đánh sập để ngăn quân ta tiến vào Sài Gòn. Bởi, cầu Rạch Chiếc là cửa ngõ phía Đông vào Sài Gòn", đặc công Nguyễn Đức Thọ nhớ lại.

Cũng chính thời điểm này (25/4/1975), Bộ Tư lệnh đổi hướng ra lệnh quân ta đánh cầu Rạch Chiếc, mở đường cho đại quân tiến vào trung tâm Sài Gòn.

Trận đánh cầu Rạch Chiếc 4 ngày đêm là một trong những trận ác liệt cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh, tạo bàn đạp cho cánh Đông quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Do đó, để chiếm được chiếc cầu, tất cả các đơn vị gồm đại đội đặc công nước và tiểu đoàn đặc công khô của Lữ đoàn 316 đều tham gia.

Ngày 25/4/1975, sau khi trinh sát, các đơn vị thống nhất ngày 27/4/1975 sẽ bắt đầu đánh chiếm cầu. Để kế hoạch diễn ra thuận lợi, tối 26/4, các đơn vị đã tập hợp, bàn bạc thống nhất chọn phương án đánh cường tập, dùng B40, B41 tiêu diệt các hỏa điểm chủ yếu của địch.

Mỗi bộ đội được trang bị súng AK, 16 quả thủ pháo, 2 lựu đạn. Riêng các chiến sĩ phụ trách bắn B40, B41 được trang bị thêm 10 quả đạn. Khi ấy, quân địch đã chặn mọi ngả đường. Ta muốn đưa đại pháo vào trung tâm thành phố chỉ có cách lặn dưới sông.

Những chiến sĩ đặc công nước ở lữ đoàn của ông Thọ có nhiệm vụ bơi vận chuyển pháo, thuốc nổ... vào trung tâm thành phố.

Nói đoạn, ông Thọ đưa cánh tay lên, chỉ vào phần da có những mảng loang lổ: "Theo thời gian nó mờ đi rồi, chứ hồi mới giải phóng, những vết này rõ lắm. Hồi đó, lặn dưới nước bẩn 5 - 6 tiếng đồng hồ, người ngứa ngáy nhưng vẫn phải giữ yên tĩnh tuyệt đối, không thì địch phát hiện".

Những vết loang lổ đó chính là những vết sẹo do bị viêm da khi trầm mình trong nước bẩn nhiều giờ, là minh chứng cho sức chịu đựng phi thường của những chiến sĩ đặc công nước như ông Thọ.

Trung úy Nguyễn Đức Thọ (ngoài cùng, bên trái) cùng các đồng đội trong trận đánh cầu Rạch Chiếc năm 1975. (Ảnh tư liệu)

Mở màn trận đánh lịch sử

Theo ông Thọ, ngày ấy lính đặc công vốn chỉ quen đánh nhanh, rút gọn. Thế nhưng, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, bộ đội đặc công lại được giao nhiệm vụ bám trụ mục tiêu, chiếm và giữ thông cầu cho đại quân tiến vào Sài Gòn.

Lúc biết mình được chọn bắn phát súng đầu tiên mở màn trận đánh, đặc công Nguyễn Đức Thọ không khỏi hồi hộp, bởi, đây là trận đánh ác liệt, cam go. Người bắn mở màn có yếu tố rất quan trọng, đồng thời, có thể hy sinh bất cứ lúc nào vì cụm phòng thủ cầu Rạch Chiếc được xem là bức tường lửa.

Đúng giờ G (17h ngày 27/4/1975), lấy hết bình tĩnh, đặc công Nguyễn Đức Thọ nổ quả B40 đầu tiên. Tuy nhiên, quả này bị hụt mục tiêu do ông đứng dưới sình lầy, phía trước là hàng rào kẽm gai, sợ vướng đạn nên ông phải nâng cao nòng súng.

"Lúc bắn hụt, tôi rất lo lắng, mồ hôi bắt đầu nhễ nhại, vì sợ mình làm không tốt gây ảnh hưởng cho cả đội. Quả đúng vậy, sau khi phát hiện có quân mình áp sát, địch liền nhả đạn liên hồi. 

Thấy tình hình nguy hiểm, Thượng sĩ Trần Đình Lạc đứng bên cạnh hối tôi: “Bắn tiếp Thọ ơi!”. Nghe vậy, tôi liền lấy hết bình tĩnh và tập trung nổ phát thứ 2. Thật may, quả này trúng ngay góc, làm tháp canh sạt đổ.

Thấy đang có đà, chiến sĩ Lê Xuân Nguyệt tiếp tục thúc giục tôi: “Chỗ nào nhá lửa thì táp một trái Thọ ơi!”. Vậy là thấy chỗ nào nhá lửa, có lô cốt chìm bắn ra đều bị chúng tôi dùng B40 tiêu diệt. Cầm khẩu B40 nã đạn vào địch, nhiều lô cốt bị tiêu diệt, cảm giác tội lỗi ở quả hụt thứ nhất của mình vơi bớt phần nào”, đặc công Nguyễn Đức Thọ kể lại giờ phút sinh tử.

Sau khi bị quân ta phản công dữ dội, sáng 28/4/1975, quân địch huy động toàn bộ lực lượng hơn 2.000 quân, xe tăng, tàu chiến, trực thăng và vũ khí hạng nặng quyết tử.

Ngay sau đó, cầu Rạch Chiếc hứng “mưa pháo” của địch từ trường sĩ quan Thủ Đức, Nhơn Trạch, Sóng Thần. Trên không, trên sông, trên xa lộ… địch đồng loạt xả bom đạn vào cầu Rạch Chiếc.

Sau màn hứng “mưa bom, bão đạn”, đến 12h, Bộ Chỉ huy ra lệnh cho lực lượng đặc công phải rút qua sông, bảo toàn lực lượng. Tới tối cùng ngày, lực lượng đặc công được lệnh tiếp tục đánh chiếm cầu Rạch Chiếc, quyết không cho địch phá hoại, dọn đường đón các cánh quân.

Trong đêm 28, các chiến sĩ đặc công dùng súng chống tăng B40 và B41 diệt phần lớn xe tăng địch án ngữ hai đầu cầu, chiếm lại cầu Rạch Chiếc. Đồng thời, bố trí một tổ sử dụng thủy lôi chặn tàu địch dưới sông, sử dụng các lô cốt và công sự có sẵn của địch tạo thành lưới hỏa lực ngăn chặn từ xa không cho tiếp viện.

Nắm giữ được tình thế, trong ngày 29/4/1975, địch phản kích 7 đợt thì đều bị ta đánh lui cả 7 lần. Cầu Rạch Chiếc vẫn được quân ta chiếm giữ cho đại quân tiến vào Sài Gòn.

Trận đánh cầu Rạch Chiếc tháng 4/1975. (Ảnh tư liệu)

52 chiến sĩ đặc công hy sinh

Theo lời kể của ông Thọ, đúng 5h ngày 30/4/1975, quân ta một lần nữa nổ súng tấn công vào cụm phòng thủ cầu Rạch Chiếc.

Cụm phòng thủ cầu Rạch Chiếc lúc này có hàng nghìn quân lính, tuy nhiên hầu hết đều là bại binh từ Long Thành, Xuân Lộc (Đồng Nai) chạy về nên không còn tinh thần chiến đấu. Vì vậy, đợt tiến công diễn ra nhanh chóng, quân đội Việt Nam Cộng hoà tháo chạy tán loạn về trung tâm, số khác đầu hàng.

Quân địch tháo chạy, đại quân giải phóng của ta từ hướng Đông tiến qua cầu Rạch Chiếc, hành quân vào Dinh Độc Lập, giành lại Sài Gòn.

"Khi quân Giải phóng vừa qua cầu, chúng tôi có nhiệm vụ đến nhà máy điện Thủ Đức để tiếp tục canh giữ. Trên đường đi, chúng tôi có mang theo chiếc radio để nghe ngóng tình hình. Lúc nghe tiếng Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, trái tim vỡ oà vì chiến thắng, mấy anh em nhìn nhau vui sướng mà không nói nên lời", đặc công Nguyễn Đức Thọ xúc động kể về thời khắc nghe tin Sài Gòn được giải phóng.

Nhắc lại thời khắc huy hoàng ấy, song, giọng của đặc công Nguyễn Đức Thọ bỗng nặng trĩu: "4 ngày đêm đánh chiếm cầu Rạch Chiếc, thắng lợi thật, giải phóng thật, Nhưng cũng có một sự thật, đó là 52 đồng đội của tôi đã ngã xuống, họ hy sinh trước ngày thống nhất".

Hình ảnh các đồng đội bị bom đạn xuyên thấu người, đau đớn trong giây phút sinh tử vẫn in rõ mồn một trong trí nhớ đặc công Nguyễn Đức Thọ. Người làm ông nhớ nhất là chiến sĩ Hoàng Viết Thành (quê Quảng Bình, chỉ huy đặc công), bị mảnh pháo làm gãy một chân, còn chân kia đã bị đứt lìa.

Phát hiện chiến sĩ Thành bị thương nặng, anh em đặc công tìm cách đưa ra bìa rừng dừa cho quân y chăm sóc, nhưng Thành không chịu. Đau đớn lắm nhưng anh vẫn kiên cường bám giữ vị trí.

Nằm giữa vùng sình lầy, vết thương của Thành nhanh chóng hoại tử, người nóng sốt mê man. Trong cơn đau, tiếng gọi "Mẹ ơi!" của Thành làm những đồng đội chứng kiến không thể cầm lòng.

"Thấy vậy, anh Quang nói lớn "Anh yên tâm, có chúng tôi ở đây". Nói xong, anh Quang đứng bật dậy dùng khẩu B41 bắn thẳng vào đội hình của địch. Ngay lúc đó, địch dùng pháo cối 60, M79 bắn dồn dập vào vị trí anh Quang, khiến cả anh Quang, anh Thành và một đồng chí tên Mừng hy sinh tại chỗ", ông Thọ đau xót nhớ lại.

Trong ngày 27/4/1975, càng về chiều, tình hình càng trở nên ác liệt khiến nhiều đồng chí khác hy sinh. Xét thấy không còn khả năng bám trụ, đơn vị được lệnh rút về rừng dừa nước. Trong khi rút quân, địch phát hiện và bám theo, chiến sĩ Nguyễn Văn Thất một mình ở lại đầu cầu chặn địch.

Ký ức ám ảnh nhất đối với đặc công Nguyễn Hữu Thọ là hình ảnh những đồng đội bị quân địch giày xéo thể xác, dù đã hy sinh.

"Giờ phút giải phóng, khi quân ta đã qua khỏi cầu để tiến vào Sài Gòn, lòng tôi bỗng quặn thắt. Nhìn cây cầu, nhìn rừng dừa nước nơi các đồng đội của tôi đang nằm ở đấy, cổ họng tôi nghẹn lại và muốn hét lên: Anh Thành ơi, anh Chiến ơi, Thất ơi, Minh ơi, Tầm ơi, Việt ơi, Nho ơi, Mừng ơi, Quang ơi... các anh có nghe thấy không? Giải phóng rồi, giải phóng rồi các đồng chí ơi...". 

Nói đến đây, giọng đặc công Nguyễn Đức Thọ nghẹn lại. Ông lấy tay lau vội giọt nước mắt đang chực tuôn trào trên khoé mắt, gương mặt bỗng sắt lại, trầm ngâm, khác hẳn lúc kể về các trận đánh.

Đối với đặc công Nguyễn Đức Thọ, hình ảnh hàng nghìn binh lính Việt Nam Cộng hoà buông súng, reo hò vui sướng trong thời khắc giải phóng là ký ức không thể quên. (Ảnh tư liệu)

“Về nhà thôi”

Tưởng chừng, thời khắc tiên phong bóp cò khẩu B40 sẽ là dấu ấn đặc biệt nhất trong quãng thời gian làm lính đặc công của ông Nguyễn Đức Thọ.

Thế nhưng, hình ảnh hàng nghìn binh lính Việt Nam Cộng hoà buông súng, reo hò trong thời khắc giải phóng Sài Gòn vào sáng 30/4/1975 mới là ký ức khiến ông bồi hồi mỗi lần nhớ về.

Lúc 5h ngày 30/4, đơn vị đặc công nước, biệt động lại nổ súng tấn công vào cụm phòng thủ cầu Rạch Chiếc, hành quân vào Dinh Độc Lập (nay là Dinh Thống Nhất). Đợt tiến công diễn ra nhanh chóng, quân đội Việt Nam Cộng hoà tháo chạy tán loạn về trung tâm, số khác đầu hàng.

"Tôi còn nhớ rõ mồn một từng chi tiết, tất cả như chỉ vừa diễn ra hôm qua. Trong giây phút giải phóng, điều làm tôi bất ngờ là thái độ của các binh lính Việt Nam Cộng hoà. Họ làm tôi nhận ra, họ vẫn là anh em mình, là đồng bào máu đỏ da vàng của mình. Họ vẫn rất mong muốn được chung nhịp đập với quê hương”, đặc công Nguyễn Đức Thọ nhớ lại. 

Theo lời kể của ông Nguyễn Đức Thọ, vào 9h30 ngày 30/4/1975, xe tăng của Lữ đoàn 203 quân Giải phóng qua cầu Rạch Chiếc, tiêu diệt ổ kháng cự cuối cùng của địch tại Sài Gòn rồi tiến vào Dinh Độc lập, đánh dấu thời khắc lịch sử của đất nước. 

Lúc Sài Gòn chính thức được giải phóng, tại điểm tập kết ở cầu Rạch Chiếc, hàng nghìn binh lính Việt Nam Cộng hoà tháo chạy tán loạn. Kẻ cởi bỏ tư trang, người buông súng, sợ sệt, không biết đi đâu về đâu. 

Tuy nhiên, ngay lúc được thông báo tập hợp từ ban chỉ huy quân ta, hàng nghìn binh lính Việt Nam Cộng hoà bỗng nghe lời “răm rắp”.

Sau khi xe tăng quân ta qua cầu để tiến vào Dinh Độc Lập, đặc công Nguyễn Đức Thọ cùng 3 đồng đội được phân về bảo vệ Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức. Tại đây, hàng nghìn binh lính Việt Nam Cộng hoà thua trận, tan rã, tháo chạy tán loạn như gà con lạc mẹ. Xung quanh, xác xe tăng ngổn ngang, súng đạn vứt bạt ngàn. 

"Dù chỉ có 4 người, thật lòng là rất sợ, nhỡ cả nghìn địch lại làm liều, phản kháng và xử hết cả 4 chúng tôi thì cũng không biết ứng phó thế nào. Tuy nhiên, xem xét tình hình và lấy lại khí thế, chúng tôi tập hợp tất cả lại ở một bãi đất trống. 

Điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ, là họ lại nghe lệnh chúng tôi như thế. Đứng trước cả nghìn quân địch bại trận, chúng tôi thông báo quân Việt Nam Cộng hoà đã thất bại, Sài Gòn chính thức giải phóng. Hàng nghìn lính VNCH đứng trước chúng tôi im thin thít lắng nghe, không có bất cứ tiếng động nào”, đặc công Nguyễn Đức Thọ bồi hồi nhớ lại.

Cả tuổi trẻ của mình, đặc công Nguyễn Đức Thọ hiến dâng cho cách mạng. Khi bước vào tuổi xế chiều, ông thầm lặng gắn bó với công việc bảo vệ UBND phường đến nay đã 28 năm. (Ảnh: Thy Huệ)

Giữa chiến trường đầy máu và thuốc súng, giữa khoảnh khắc chiến thắng, đặc công Nguyễn Đức Thọ bỗng nhận ra, giải phóng Sài Gòn chính là thống nhất đất nước, hoà giải dân tộc. Những người con của dân tộc Việt Nam từ nay sẽ hoà hợp làm một, về chung một nhà.

Hơn 1.000 lính Việt Nam Cộng hoà đứng trước 4 người lính đặc công nước nhỏ bé, họ giữ trật tự và chăm chú lắng nghe "những người chỉ huy mới".

Khi đồng chí Tư Một (Chính uỷ Z) đứng lên thông báo “Các anh em binh sỹ sẽ được hưởng chính sách khoan hồng của Chính phủ Lâm thời. Hiện quê hương đã được giải phóng nên người nào trở về nhà người đó. Sau đó, cùng với gia đình, địa phương, ổn định lại cuộc sống", tất cả nghìn quân đang không có một tiếng động bỗng như vỡ òa.

“Họ nhảy múa, reo hò, sung sướng tột bậc. Chúng tôi không nghĩ lại có cảnh tượng này, cứ như họ cũng là người chiến thắng vậy. Đó là hình ảnh để lại ấn tượng nhất trong ký ức của tôi, cho tới tận bây giờ”, đặc công Nguyễn Đức Thọ xúc động nói.

Sau khi giải tán, các binh lính Việt Nam Cộng hoà tìm về gia đình, không quên gửi ánh mắt biết ơn tới 4 người lính đặc công. Một số khác không chịu ra về, cứ loay hoay xung quanh các chiến sĩ đặc công. Khi được hỏi, họ ấp úng trả lời là muốn hỗ trợ bộ đội, vì thấy chỉ có 4 chiến sĩ xử lý hiện trường.

"Ngay trong ngày giải phóng, chính họ, những người lính Việt Nam Cộng hoà, lại lái xe chở tôi đi báo cáo tình hình cho cấp trên. Điều chưa từng có trong suy nghĩ của tôi trước đó", đặc công Nguyễn Đức Thọ cười hiền kể lại.

Với nhiều người, có thể tận mãi sau này mới cảm nhận được việc hoà giải dân tộc. Còn riêng bản thân đặc công Nguyễn Đức Thọ, ngay trong giây phút đứng trước hàng nghìn binh lính Việt Nam Cộng hoà năm 1975, ông đã cảm nhận được điều đó rất rõ nét.  

“Sâu trong ánh mắt của những người lính Việt Nam Cộng hoà năm xưa, tôi thấy rõ được sự thanh thản trong tâm hồn họ. Dù bại trận, nhưng họ vẫn nói “Hoà giải dân tộc rồi, về nhà thôi!”, nói đến đây, ông Nguyễn Đức Thọ đưa mắt nhìn xa xăm, sự mãn nguyện hiện rõ trên gương mặt người chiến sĩ đặc công năm nào.

Thy Huệ

Tin mới