Ông Đặng Đại Tình - Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, hiện tại, huyện Lệ Thủy đã chìm trong nước lũ, khoảng 95% số hộ dân bị ngập, có nhiều nơi ngập sâu 3 - 4m. Hiện nước lũ đang tiếp tục lên, nên công tác ứng phó và cứu hộ, cứu trợ cho người dân vùng xung yếu được ưu tiên.
“Lũ năm nay lên nhanh và to hơn lũ lịch sử những năm trước. Chính quyền địa phương đang tập trung cứu hộ, tiếp tế lương thực cho bà con vùng bị chia cắt. Nước lũ đã làm lật thuyền khiến 2 cháu bé ở xã Thanh Thủy bị nước cuốn trôi, hiện đã vớt được thi thể và đang xác định danh tính.
Huyện đã di dời hơn 1.000 hộ dân đến nơi an toàn. Công việc di dời và tiếp tế lương thực, thực phẩm phải đi bằng thuyền trong khi mưa to, gió lớn nên rất khó khăn”, ông Tình cho hay.
Lực lượng chức năng di dời người dân trong lũ.
Trong khi đó, toàn tỉnh Quảng Bình đến 17h ngày 18/10 đã có gần 58 ngàn hộ bị ngập. Trong đó, huyện Lệ Thủy khoảng 30.000 nhà, huyện Quảng Ninh 13.067 nhà, thị xã Ba Đồn 6.043 nhà, hyện Bố Trạch 4.028 nhà, thành phố Đồng Hới 1.159 nhà, huyện Minh Hóa 1080 nhà, huyện Quảng Trạch 1.065 nhà và huyện Tuyên Hóa 615 nhà.
Lực lượng chức năng cứu hộ người dân bị mắc kẹt trong nhà khi lũ dâng cao.
Một người dân bơi phao nhận hàng cứu trợ là thực phẩm và nước uống.
Nhiều tuyến đường bị nước chia cắt, ngành giao thông phải dựng biển cảnh báo.
Nhiều tuyến đường ở huyện Lệ Thủy ngập sâu trong nước lũ.
Một người dân men theo bờ tường để di chuyển.
Gần 100% hộ dân huyện Lệ Thủy chìm trong cơn lũ lịch sử
Để đảm bảo an toàn cho người dân, các địa phương tỉnh Quảng Bình đang tích cực rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển, hạ lưu các hồ đập; vùng thấp trũng, khu vực ngập úng đô thị để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn khi có yêu cầu khẩn cấp; tuyên truyền nhắc nhở, kiên quyết không để nhân dân vớt củi, bắt cá, lội qua khe, suối… khi đang có mưa lũ.