Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Huy Nhật lập ma trận công ty 'ma' để hứng tiền từ Món Huế thế nào?

(VTC News) -

Không chỉ vét sạch Món Huế, rút ruột tiền của nhà đầu tư nước ngoài, Huy Nhật còn lập ma trận công ty "ma" và dùng danh nghĩa nhóm quản lý Món Huế để trục lợi.

Liên quan đến vụ chuỗi nhà hàng Món Huế bỗng "chết yểu" với nhiều mập mờ, mới đây, thông tin từ hồ sơ PV nắm được, không biết vô tình hay cố ý, thời gian giữ vai trò Chủ tịch Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế (gọi tắt Món Huế), ông Huy Nhật đã để cấp dưới tự ý ký hàng loạt hợp đồng bất thường.

Cụ thể, trong thời gian chưa đầy 24 tháng (từ 2017 đến giữa 2019), trước khi tuyên bố phá sản, ông Huy Nhật bị tố “làm lơ” để cấp dưới ký tá, thực hiện hàng loạt giao dịch ảo. Các giao dịch chủ yếu liên quan đến mua đất, tư vấn thiết kế, thi công xây dựng các dự án bếp trung tâm ở Hà Nội, Long An. 

Hợp đồng chuyển nhượng thương hiệu Phở Ông Hùng, Great bánh mì, Phở 99 và chi phí cho hoạt động quảng cáo. Trong đó, có cả dấu hiệu ký hợp đồng, thanh toán bằng tiền mặt có giá trị giao dịch hàng trăm tỷ đồng với các đối tác không có thực.

Bị công ty thành viên khởi kiện

Công ty Huy Vietnam (Hong Kong) Limited (gọi tắt Huy Hồng Kông) là thành viên của Món Huế, hoạt động hợp pháp theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0304790141 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp.

Công ty Huy Hồng Kông vừa khởi kiện những người quản lý của Món Huế gồm: Ông Huy Nhật (Chủ tịch Món Huế), bà Ngô Thị Mỹ Hạnh (Giám đốc chi nhánh của Món Huế tại Hà Nội) và ông Nguyễn Minh Bửu (đại diện pháp luật kiêm Giám đốc Món Huế từ tháng 5/2014 - 4/2018) ra TAND TP.HCM.

Không chỉ vét sạch Món Huế, rút ruột tiền của các nhà đầu tư nước ngoài, Huy Nhật còn lập ma trận công ty "ma" và dùng danh nghĩa nhóm quản lý Món Huế để trục lợi.

Theo Công ty Huy Hồng Kông, nhóm người quản lý Món Huế này đã có hành vi vi phạm trong các giao dịch liên quan đến Món Huế.

Cụ thể, ngày 1/6/2017, bà Ngô Thị Mỹ Hạnh thay mặt Món Huế ký hợp đồng mua 5.075m2 đất tại thửa đất CN-0-1 Cụm Công nghiệp Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) với Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Song Thành.

Giá trị khu đất theo hợp đồng là hơn 134 tỷ đồng được chia làm 2 đợt thanh toán, lần lượt là 30 và 70% giá trị. Song, hợp đồng và phụ lục hợp đồng không được công chứng. Đồng thời, cho đến nay khu đất trên vẫn chưa được chuyển tên quyền sử dụng đất cho bên mua nhưng tiền đã thanh toán đủ 100%.

Trong khi đó, một khảo sát độc lập của các nhà đầu tư nước ngoài năm 2019 cho thấy, khu đất nói trên chỉ có giá trị dưới 30 tỷ đồng. Người ký hợp đồng là bà Hạnh đã không được ủy quyền hợp lệ để ký thay, trong khi bản thân chỉ là Giám đốc chi nhánh Hà Nội.

Ma trận nhiều công ty "ma"

Trước khi tuyên phá sản, có đến 5 lần Món Huế ký hợp đồng tư vấn thiết kế, thi công xây dựng Dự án Bếp trung tâm tại Hà Nội, Long An với các đối tác chưa được thành lập tại thời điểm ký hợp đồng. Tuy nhiên, Món Huế vẫn sẵn sàng chuyển tiền tạm ứng hàng trăm tỷ đồng.

Theo đó, ngày 13/10/2017, Món Huế ký hợp đồng tư vấn thiết kế dự án bếp trung tâm Hà Nội với Công ty Cổ phần tư vấn AA và thanh toán số tiền tạm ứng 100 tỷ đồng. Số tiền này sau đó được cấn trừ khi nghiệm thu hoàn chỉnh khối lượng công việc Công ty Cổ phần tư vấn AA đã làm với tổng chi phí gần 34 tỷ đồng theo biên bản nghiệm thu ngày 10/5/2018 do bà Hạnh đại diện Món Huế ký xác nhận.

Số tiền tạm ứng còn lại hơn 66 tỷ đồng sẽ được cấn trừ tiếp tục cho những dịch vụ khác mà Công ty Cổ phần tư vấn AA cung cấp cho Món Huế. Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ công việc, dịch vụ nào được thực hiện, cung cấp.

Công ty Huy Hồng Kông khởi kiện ông Huy Nhật, bà Ngô Thị Mỹ Hạnh và ông Nguyễn Minh Bửu ra TAND TP.HCM.

Ngày 9/8/2018, bà Hạnh tiếp tục đại diện Món Huế ký hợp đồng tư vấn thiết kế, xây dựng với Công ty An Đạt Phú kèm điều khoản chính là An Đạt Phú chỉ định đơn vị trực thuộc là Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và Xây dựng Tasco (gọi tắt là Công ty Tasco) thực hiện thiết kế, thi công công trình Bếp trung tâm Hà Nội. Số tiền tạm ứng theo hợp đồng này là 150 tỷ đồng.

Sau ký kết này, bà Hạnh từ Giám đốc chi nhánh Hà Nội được bổ nhiệm lên giữ vị trí Giám đốc Công ty Món Huế.

Đến ngày 17/8/2018, bà Hạnh tiếp tục ký ủy nhiệm chi 150 tỷ đồng tạm ứng cho Công ty An Đạt Phú. Bất ngờ là tại thời điểm bà Hạnh ký hợp đồng, ký ủy nhiệm chi 150 tỷ đồng thì hệ thống thông tin doanh nghiệp vẫn chưa có Công ty Tasco, đến ngày 23/8/2018 doanh nghiệp này mới được thành lập.

Tại Dự án Bếp trung tâm Long An, bà Hạnh 2 lần ký ủy nhiệm chi với tổng số tiền hơn 70 tỷ đồng tạm ứng cho Cty TNHH Tư vấn thiết kế VIPHouse UDIC, trong khi thực tế không có bất kỳ hoạt động nào tại địa chỉ trụ sở đăng ký và cũng không thực hiện bất kỳ công việc nào theo nghĩa vụ.

Tiếp đến, ngày 22/10/2018, bà Hạnh một lần nữa ký 2 hợp đồng (giá trị 560 tỷ đồng, điều khoản thanh toán là tạm ứng trước 50% giá trị, tương đương hơn 280 tỷ đồng) với Công ty Không Gian Xanh để thiết kế, thi công xây dựng và cung cấp trang thiết bị nội thất cho Dự án Bếp trung tâm Long An. Tương tự, thời điểm này công ty này cũng chưa được thành lập. 

Sau đó, vì không thực hiện bất kỳ công việc nào theo hợp đồng nên Công ty Không Gian Xanh đã phải hoàn trả cho Món Huế 90% giá trị tạm ứng (tương đương khoảng 250 tỷ đồng). Giao dịch này khiến Món Huế thiệt hại gần 30 tỷ đồng.

Vô tư "ném tiền qua cửa sổ"

Trong các "phi vụ" mua lại thương hiệu Phở Ông Hùng, Great Bánh mì 1,2 và Phở 99, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, Món Huế bị thiệt hại lớn. Các giao dịch ở thời điểm đó do ông Nguyễn Minh Bửu trực tiếp ký.

Ông Huy Nhật  - Chủ tịch Món Huế (bìa phải).

Cụ thể, đối với việc mua lại thương hiệu Phở Ông Hùng, Món Huế đã mạnh dạn chi hơn 144 tỷ đồng. Trong đó, chỉ có hơn 1,6 tỷ đồng là giá trị thực tế của thương hiệu, còn lại là quyền bảo hộ và chống lại việc đăng ký bảo hộ đối với thương hiệu.

Tuy nhiên, thông tin trên Thư viện Sở hữu trí tuệ của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam ghi nhận, Phở Ông Hùng đã bị từ chối để được đăng ký bảo hộ trong hoạt động kinh doanh nhà hàng và ẩm thực năm 2017. Điều này đồng nghĩa, gần 130 tỷ đồng của Món Huế chi cho mục đích quyền bảo hộ và chống lại việc đăng ký bảo hộ đối với thương hiệu là không có giá trị. 

Thời điểm ông Bửu, bà Hạnh trực tiếp ký kết các giao dịch, chính ông Huy Nhật là người đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Món Huế và Món Huế thuộc sở hữu duy nhất của Huy Việt Nam. Thế nhưng, ông Nhật đã để cấp dưới ký nhiều hợp đồng và chứng từ trái thẩm quyền, thanh toán những khoản tiền hàng trăm tỷ đồng.

Câu hỏi được đặt ra, động cơ nào khiến những cá nhân của Món Huế ngó lơ để ký tá hợp đồng và "ném tiền qua cửa sổ" trong khi năng lực của họ còn chưa được làm rõ? 

Thy Huệ

Tin mới