Mùi có quanh năm nhưng chỉ những ngày giáp Tết người ta mới bán mùi già. Tôi vẫn nhớ, ngày nhỏ, khi mọi việc đã hòm hòm, cả nhà vừa ngồi canh bánh chưng vừa trò chuyện. Khi nồi bánh chưng sôi lục bục trên bếp củi, bố đặt chậu nước mùi già bên cạnh đun cùng.
Mùi hương dễ chịu đặc biệt của mùi già lẩn khuất trong câu chuyện của bố mẹ và lan toả khắp cả góc sân. Tôi gọi đó là mùi của Tết.
(Ảnh minh họa)
Khi nồi nước mùi sôi, bố sẽ chắt để mẹ tắm cho chị em tôi. Hồi bé, tôi chẳng hề biết người lớn quan niệm việc tắm nước mùi là để xua tan những điều không may mắn của năm cũ mà chỉ thấy mùi hương đó rất dễ chịu và tôi yêu nó. Suốt những ngày sát và sau Tết, chừng nào ngoài chợ còn bán mùi già thì mẹ vẫn mua về để cả nhà tắm và rửa mặt vào sáng hôm sau.
Tôi vẫn nhớ cái cảm giác thò tay vào chậu rửa mặt, nhấc chiếc khăn còn bốc hơi nghi ngút trong những ngày Tết lạnh cắt da cắt thịt, hương mùi già mới dễ chịu làm sao!
Nhiều năm sau đó, gia đình tôi chuyển đến nhà mới. Căn nhà phố chật chội hơn và chẳng có sân để luộc bánh chưng như mọi năm nên mẹ bỏ hẳn việc gói bánh.
Năm đầu tiên về nhà mới, có lẽ mẹ bận bịu quá mà quên mất mua mùi già. Cả nhà ai cũng hỏi nhưng tối 30 Tết rồi biết tìm ai bán mùi già nữa. Tết năm đó, gia đình tôi ở trong căn nhà mới, hiện đại hơn nhiều so với căn nhà cũ ở ngoại thành nhưng chúng tôi không có hương mùi già, không có bánh chưng tự gói.
Sự thiếu vắng của mùi già vào Tết năm ấy giúp tôi nhận ra mùi hương bình dị ấy quan trọng thế nào với mình. Và đến bây giờ, khi đã có gia đình nhỏ của riêng mình, chiều 30 Tết năm nào tôi cũng đun một nồi nước mùi già thật to để các con tắm.
Khi còn nhỏ, chúng thường hay kêu ca vì màu nước đục hay một vài hạt mùi còn sót bám trên da lúc tắm nhưng giờ đây, tụi nhỏ đã quen với điều đó và cũng biết "hỏi thăm" nếu chiều 30 mẹ quá bận bịu mà chưa kịp đun nước mùi già. Giống như mẹ, chừng nào ngoài chợ còn bán mùi già, tôi sẽ còn mua về đun và căn nhà sẽ ngập tràn mùi của Tết, mùi của những yêu thương bởi với tôi, thiếu hương mùi già là thiếu Tết.