Tại diễn đàn VNNIC Internet Conference 2022 với chủ đề “Tương lai của Internet” (The Future of internet) diễn ra ngày 24/6 ở Đà Nẵng, ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, đây là diễn đàn mới chuyên sâu về Internet, công nghệ phục vụ phát triển cộng đồng lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, nhằm thảo luận, giải quyết những bài toàn lớn về Internet sau đại dịch COVID-19.
Theo Thứ trưởng Long, VNNIC Internet Conference 2022 hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển Internet Việt Nam an toàn, bền vững, đồng thời tạo cơ hội để các nhóm cộng đồng, các chuyên gia hàng đầu về Internet, các cơ quan Nhà nước gặp gỡ, chia sẻ tầm nhìn, sứ mệnh và chung tay phát triển bền vững Internet Việt Nam.
Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ông Phạm Đức Long cho biết, trong bối cảnh mới, sự phát triển, cải tiến của công nghệ Internet ngày càng diễn ra nhanh chóng, đòi hỏi sự nhạy bén, chuyển mình của các tổ chức, doanh nghiệp cùng như sự định hướng đúng đắn của Chính phủ, sự hợp tác, chung tay của cả cộng đồng Internet Việt Nam để xây dựng một Internet Việt Nam an toàn, bền vững, nhân văn, rộng khắp.
Đặc biệt, trong quá trình hội nhập xu thế phát triển chung và công nghệ Internet tương lai trên thế giới đang đặt Internet Việt Nam trước những thách thức to lớn.
Theo ông Long, tương lai của Internet sẽ gắn với sự bùng nổ của các công nghệ mới Internet of Things (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing), Trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, 5G/6G, Cloud... Internet được chuyển đổi sang thế hệ mới hoạt động với IPv6.
“Chính vì vậy, Internet Việt Nam cần được phát triển nhanh, hiện đại, bền vững, thu hẹp khoảng cách số, phổ cập đến toàn bộ người dân để không ai bị bỏ lại phía sau. Internet Việt Nam sẽ hướng đến 100% hộ gia đình truy cập Internet băng rộng, dịch Internet băng siêu rộng phổ biến và 100% người dân có smartphone truy cập Internet.
Đặc biệt, Việt Nam sẽ phổ cập tên miền quốc gia “.vn” để người dân, doanh nghiệp Việt Nam khai thác giá trị tài nguyên Internet quốc gia, phát triển kinh tế số. Chúng ta sẽ tiến tới tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” đạt tối thiểu 1 triệu tên miền, đứng top 20-30 thế giới”, Thứ trưởng Long nhấn mạnh.
Tại sự kiện, đại diện lãnh đạo, cán bộ các cơ quan Nhà nước, các chuyên gia tại các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông - Internet trong nước và quốc tế cũng thảo luận các nội dung chuyên đề về phát triển Internet, bảo mật, an toàn, chiến lược phát triển Internet trong tương lai.
Cụ thể gồm chuỗi sự kiện workshops và hội thảo chính tập trung vào các nội dung: IPv6 và DNS cho cơ quan nhà nước (tập trung cho khu vực miền Trung - Tây nguyên); Multihome và An toàn định tuyến; Tài nguyên Internet, quản trị Internet nhằm định hướng, phát triển nguồn nhân lực cho thế hệ tương lai của Internet Việt Nam.
Đặc biệt, tại các hội thảo chuyên đề bàn về IPv6 for Gov/Sơ kết công tác IPv6; Chuyên đề tên miền “.vn”, dịch vụ số và nền tảng số gắn với hoạt động ra mắt nhận diện thương hiệu quốc gia “.vn”; hạ tầng Internet, Peering và an toàn định tuyến… các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra các nhận định, định hướng phát triển cho Internet Việt Nam trong bối cảnh hiện tại.
Internet Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với tỷ lệ sử dụng Internet đạt 70.3%, trở thành nhu cầu thiết yếu của mọi người dân, là nền tảng để phát triển kinh tế số, xã hội số Việt Nam.
Việt Nam thực hiện thành công quá trình chuyển đổi Internet sang thế hệ mới hoạt động với IPv6 với tỷ lệ user sử dụng, truy cập IPv6 đạt 50%, đứng thứ 10 thế giới.