Suốt quãng thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hoạt động du lịch bị "đóng băng" khiến ngành công nghiệp không khói chịu ảnh hưởng nặng nề.
Nhưng tới thời điểm này, khi dịch bệnh được kiểm soát, người dân có xu hướng đi du lịch để bù lại quãng thời gian bị chôn chân ở nhà. Điều đó cũng có nghĩa, những người làm du lịch sẽ phải hoạt động hết công suất.
Hướng dẫn viên du lịch tại TP.HCM "chạy show" không có thời gian nghỉ.
Vừa trở về nhà sau khi kết thúc chuyến công tác tại huyện Cần Giờ, anh Nguyễn Huy An (hướng dẫn viên du lịch tự do ở TP.HCM) lại tranh thủ xếp quần áo chuẩn bị cho tour tiếp theo vào hôm sau.
"Hiện đang mùa cao điểm du lịch, dịch cũng lắng xuống nên trong tháng 8 tôi có nhiều tour, cả ngắn ngày và dài ngày. Không chỉ có khách đoàn ở TP.HCM mà còn ở một số tỉnh, thành khác đến tham quan", anh An nói.
Theo anh An, công việc tuy bận, ít có thời gian nghỉ ngơi nhưng anh rất vui vì gặp khách, được trò chuyện, thuyết minh về từng địa điểm mà khách đi qua, vui vì có kinh tế để trang trải cuộc sống.
"Số lượng tour của tôi hiện tại kín lịch trong tháng, vừa kết thúc tour này lại tiếp tục hành trình tour khác. Có ngày tôi chạy 2 - 3 tour ngắn, không kịp thở luôn", anh An chia sẻ thêm.
Anh An cho hay, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát năm ngoái, để có thu nhập trang trải cuộc sống, anh phải làm nhiều công việc khác nhau để duy trì cuộc sống và chờ ngày du lịch phục hồi có thể ngay lập tức quay lại công việc của mình.
Hướng dẫn viên vui mừng vì được đón nhiều đoàn khách.
"Bật mí" về lương của mình, anh An cho hay, lương của một hướng dẫn viên du lịch vào mùa cao điểm, làm hết công suất có thể kiếm từ 25 - 35 triệu đồng/tháng. Ngoài lương còn có thêm khoản tiền tip của khách hàng, tiền sale tour...
Là hướng dẫn viên có trên 10 năm kinh nghiệm, anh Nguyễn Trí Lưu đang tất bật chuẩn bị để dẫn đoàn 100 khách tham quan TP.HCM và các tỉnh miền Tây.
Anh Lưu chia sẻ: "Hiện tôi rất vui mừng và "cháy" hết mình với công việc".
Những ngày qua, ngoài việc dẫn khách đi các điểm du lịch, anh Lưu còn bận bịu với các cuộc tư vấn cho khách hàng tham gia các tour du lịch.
"Khách du lịch nội địa đang hồi sinh và trở lại mạnh mẽ. Mùa cao điểm du lịch nên tour dày đặc và sát nhau, tôi liên lục nhận các tour. Thông thường sau mỗi chuyến đi, tôi sẽ được nghỉ 1 - 2 ngày nhưng nếu có đoàn khách mới thì sẽ đi ngay", anh Lưu nói.
Theo anh Lưu, nghề hướng dẫn viên phải “làm dâu trăm họ” khi không chỉ phục vụ nhiều người cùng một lúc mà còn phải chu đáo với từng cá nhân có tính cách, nhu cầu khác nhau. Thường xuyên xa nhà, ngày lễ càng khó về thăm, rong ruổi “nay đây mai đó” là chuyện bình thường với người theo nghề.
"Mùa du lịch, hướng dẫn viên chạy tour liên tục, việc thức khuya dậy sớm là chuyện bình thường, thời gian dành cho công việc mỗi ngày chiếm đến 75%", anh Lưu chia sẻ.
Cao điểm mùa du lịch, hướng dẫn viên chạy tour liên tục.
Dù “chạy” không ngày nghỉ suốt tháng 7 vừa qua nhưng khi bắt đầu với một đoàn khách mới, anh Lưu lại rạng rỡ và đầy chuyên nghiệp. Để thấy sự thú vị trong nghề, nam hướng dẫn viên du lịch cho rằng phải có đam mê và nghiêm túc với nghề, hơn hết luôn giữ thái độ thân thiện, nhiệt tình và chăm sóc du khách chu đáo trong suốt hành trình.
Nhiều công ty du lịch lữ hành cho biết, sản phẩm du lịch ngay TP.HCM và các tỉnh miền Tây đang nhận được sự quan tâm rất lớn. Đặc biệt, xu hướng du khách lựa chọn dịch vụ du lịch cao cấp tăng mạnh.
Ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Victoria Châu Đốc cho hay, thời gian gần đây, khách ưu tiên lựa chọn các phân khúc lưu trú cao cấp hơn cho kỳ nghỉ của mình, tập trung ở phân khúc 3 - 5 sao. Khách hàng thiên về nghỉ dưỡng và xu hướng du lịch chậm đang được du khách quan tâm, chứ không phải khám phá như hồi trước dịch.
Các dòng sản phẩm như du lịch ẩm thực, du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe, kết hợp xe đạp, chạy bộ, âm nhạc, yoga, thiền… được khách hàng đặt mua trước.
"Đặc biệt, khách du lịch Việt Nam đang có xu hướng gia tăng các khoản chi tiêu cho các hoạt động trải nghiệm tại điểm đến với mục tiêu tạo được không gian thoải mái cho gia đình sau thời gian dịch bệnh. Chính vì thế, số lượng công việc của hướng dẫn viên cũng nhiều hơn", ông Tuấn nói.
Khách hàng thiên về nghỉ dưỡng và xu hướng du lịch chậm đang được du khách quan tâm.
Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, lượng khách du lịch nội địa đến TP.HCM 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 11 triệu lượt khách, tăng 43% so với cùng kỳ, đạt 61,6% kế hoạch.
Khách du lịch quốc tế đến TP.HCM trong nửa đầu năm 2022 đạt gần 478.000 lượt khách, tăng 100% so với cùng kỳ. Chỉ riêng tháng 6/2022, doanh thu lữ hành tại TP.HCM ước đạt 845 tỷ đồng, tăng 30,8% so với tháng trước (tháng cùng kỳ ngưng hoàn toàn). Ước tính 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt 3.534 tỷ đồng, tăng 41,5% so với cùng kỳ.