Theo RT, các nhà lập pháp Hungary, trong đó có Thủ tướng Viktor Orban, đã bỏ phiếu phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan tại Budapest, Hungary. Cụ thể, quốc hội Hungary đã bỏ phiếu với tỷ lệ 182-6 ủng hộ việc gia nhập của Phần Lan.
Điều này sẽ mở đường cho Phần Lan gia nhập NATO sau cuộc bỏ phiếu sắp tới ở Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia Bắc Âu sẽ trở thành thành viên thứ 31 của khối sau một cuộc bỏ phiếu tương tự tại quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, có thể sẽ diễn ra cuối tháng này.
Hungary phê chuẩn mở rộng NATO. (Ảnh: AP)
Trong khi đó, tư cách thành viên của Thụy Điển vẫn chưa được chấp nhận.
Phần Lan và Thụy Điển đều từ bỏ vai trò trung lập vào mùa hè năm ngoái và nộp đơn xin gia nhập NATO. Để hai nước trở thành thành viên của khối, tất cả các quốc gia thành viên phải đồng ý.
Trong các nước chưa đồng ý có Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Hungary Viktor Orban ban đầu cam kết ủng hộ tư cách thành viên cho cả Phần Lan và Thụy Điển, sau đó nói vào tháng 2 rằng trước tiên ông sẽ phải có “các cuộc thảo luận nghiêm túc” về vai trò của cả hai nước trong việc “lan truyền những lời dối trá trắng trợn về Hungary, về pháp quyền ở Hungary, về nền dân chủ, về cuộc sống ở đây".
Thụy Điển và Phần Lan đã lên án gay gắt chính phủ Hungary, cả hai đều ủng hộ việc EU rút viện trợ cho Budapest do cho rằng ở đây có những vấn đề về quyền của người LGBT và người di cư cũng như những lo ngại về độc lập tư pháp.
Về sau, ông Orban đã từ bỏ quan điểm phản đối Phần Lan, còn bế tắc với Thụy Điển vẫn chưa được giải quyết.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nước này muốn ngăn chặn việc phê chuẩn cho đến khi cả Helsinki và Stockholm cam kết dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Ankara, đồng thời giải quyết vấn đề người Kurd.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hồi đầu tháng tuyên bố rằng Phần Lan đã "thực hiện các bước cụ thể" để đáp ứng các yêu cầu của Ankara, đồng thời nói ông sẽ ủng hộ tư cách thành viên của Phần Lan. Tuy nhiên, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Thụy Điển không giữ lời hứa của mình. Căng thẳng giữa Stockholm và Ankara càng lên cao do chính quyền Thụy Điển từ chối ngăn chặn các cuộc biểu tình đốt kinh Koran hồi đầu năm nay.