Trong một video đăng trên trang Facebook cá nhân, Thủ tướng Orban nêu rõ: "Vấn đề quan trọng nhất đối với EU lúc này đã được giải quyết theo hướng thuận lợi, đó là không có các biện pháp trừng phạt đối với khí đốt và dầu mỏ".
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo EU đang nhóm họp tại Versailles (Pháp) nhằm thảo luận về kế hoạch giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Các nhà lãnh đạo EU đang nhóm họp tại Versailles (Pháp) nhằm thảo luận về kế hoạch giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. (Nguồn: Tellerreport)
Dự kiến trong hai ngày nhóm họp 10-11/3, EU sẽ đạt được nhất trí về việc chấm dứt sử dụng dầu, khí đốt và than đá của Nga, song các thành viên vẫn đang bất đồng về lộ trình cũng như các biện pháp thực hiện. Một số quốc gia đề nghị ấn định thời điểm thực hiện là năm 2030, trong khi số khác muốn hạn chót là 2027.
Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng, EU nên ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027, khẳng định sẽ đề xuất kế hoạch này vào giữa tháng 5 tới.
Để giảm dần phụ thuộc năng lượng vào Nga, EU sẽ triển khai một số bước bao gồm tăng cường nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Trong khi đó, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đề xuất áp đặt mức giá trần đối với khí đốt trên toàn EU. Tuy nhiên, người đồng cấp Hà Lan Mark Rutte lại cho rằng, động thái này có thể khiến Mỹ và nhiều quốc gia khác e ngại xuất khẩu nhiên liệu sang EU, từ đó làm chậm quá trình giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.
Các thành viên EU vẫn đang phụ thuộc vào năng lượng của Nga, với nhiên liệu nhập khẩu từ nước này hiện chiếm tới 40% nhu cầu khí đốt, 27% nhập khẩu dầu mỏ và 46% nhập khẩu than đá của toàn liên minh.
Đến nay, các lệnh trừng phạt của EU mới chỉ tập trung vào các ngân hàng và một số nhân vật có tầm ảnh hưởng Nga, cấm máy bay Nga vào không phận EU và ngừng xuất khẩu công nghệ sang nước này.