Những năm gần đây, phong trào chuyển đổi cây trồng, nhất là trên đất lúa kém hiệu quả, khó khăn về nước tưới sang các loại cây ăn quả, rau màu ở các Hợp tác xã (HTX) huyện Hưng Hà đang nở rộ, bước đầu nhiều mô hình đã cho giá trị kinh tế cao.
Mô hình trồng ớt hữu cơ trên đất cằn của HTX Vũ Anh đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Hồi sinh vùng đất “chết”
Trước tình trạng tồn dư lượng hóa chất trong nông sản ngày càng báo động, thì xu hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng canh tác thông minh đang là một vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm.
Với khát vọng mang đến nguồn nông sản sạch, góp phần thay đổi nhận thức chung về xu hướng sản xuất nông nghiệp hiện nay. Nhiều năm qua, ông Bùi Văn Vũ, Giám đốc HTX Vũ Anh luôn miệt mài, tìm tòi hướng canh tác hữu cơ, an toàn trên chính mảnh đất quê hương mình.
Chia sẻ về ý tưởng thành lập HTX, ông Vũ nói: Trước đây, toàn bộ vùng đất này là của hơn 700 bà con xã Hồng Minh cấy lúa. Tuy nhiên, do sản xuất nhỏ lẻ, mang tính tự phát, mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ nên 50% số hộ bỏ sản xuất, 50% hộ sản xuất cầm chừng, năng suất giảm…
Năm 2019, thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, ông Vũ cùng các thành viên tâm huyết đã mạnh dạn đứng lên thuê 30 ha của các hộ, đầu tư cải tạo đất, nghiên cứu và thử nghiệm trồng những loại nông sản hữu cơ có giá trị kinh tế cao.
Ông Nguyễn Đình Thu, thành viên HTX cho biết: Nơi đây được gọi là “vùng đất chết” vì lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật tồn đọng vượt ngưỡng cho phép khiến cây trồng khó sinh trưởng và phát triển tốt. Vì thế, bước đi đầu tiên của HTX là phải xử lý và cải tạo môi trường đất trước khi đưa vào trồng trọt.
“Ban đầu rất khó khăn trong việc định hướng và cải tạo đất, thêm vào đó chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn cao nhiều lần so với sản xuất thông thường”, ông Thu nói.
Khi đó, HTX cùng các thành viên đã chủ động đầu tư hơn 3 tỷ đồng cho chi phí cải tạo đất, kéo điện, xây dựng thủy lợi, trang bị các loại máy làm đất, máy bơm..., xây dựng kho lạnh bảo quản nông sản để gieo trồng theo hướng hàng hóa.
Đến nay, HTX đã thu hút 23 thành viên tham gia, chuyên canh sản xuất nông sản hữu cơ trên diện tích 30ha với các loại nông sản chủ đạo như: ớt, ngô, các loại rau ăn lá,... được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Chuỗi liên kết giá trị ở HTX Vũ Anh tăng khả năng tiếp cận thị trường.
Đến… liên kết chuỗi giá trị
Thực hiện tái cơ cấu kinh tế, thông qua kết nối của Liên minh HTX Việt Nam, HTX Vũ Anh đã liên kết mô hình trồng ớt hữu cơ diện tích 10ha với Công ty Cổ phần New AG Technologies Việt Nam (Hà Nội) để xuất khẩu sang Mỹ.
Để chất lượng sản phẩm cây trồng theo hướng hữu cơ thơm ngon và giá trị cao, theo ông Vũ, điều quan trọng nhất là tất cả các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng đều phải là chế phẩm sinh học, vừa an toàn đối với người sử dụng mà lại thân thiện với môi trường.
Ưu điểm của trồng hữu cơ là chất lượng sản phẩm cao và an toàn, nhưng để làm theo đúng quy trình thì khâu chăm sóc lại mất khá nhiều công, đòi hỏi người nông dân phải thật sự tâm huyết và kiên trì mới làm được.
Khác với nhiều hộ dân thường sử dụng phân bón NPK để tiết kiệm thời gian và công chăm sóc thì HTX lại sử dụng một loại hỗn hợp đặc biệt từ đỗ tương xay nhỏ kết hợp với cá ngâm ủ nhuyễn.
Sở dĩ, HTX sử dụng loại hỗn hợp này là vì nó có tác dụng cải tạo đất, tăng độ mùn cho đất, tăng mật độ vi sinh vật trong đất, từ đó giúp phân giải lân, kali khó tan trong đất rất tốt.
Theo tính toán của Ban giám đốc, sau 8 tháng chăm sóc, HTX có thể thu hoạch được 150 tấn ớt xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ngoài ra, trung bình mỗi năm HTX còn cung cấp nông sản sạch cho thị trường trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng,… với hơn 150 tấn bí, dưa chuột, gần 50 tấn thóc… doanh thu đạt 3 tỷ đồng, đảm bảo thu nhập cho các thành viên.
Bên cạnh các dịch vụ đầu vào, đầu ra, HTX Vũ Anh còn chú trọng chuyển giao khoa học - kỹ thuật, trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị, phương thức sản xuất an toàn.
Các hộ tham gia mô hình được nhận hỗ trợ nông dân 70% chi phí đầu tư (giống, phân, thuốc) và tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đến nay, khi dự án đã kết thúc, kết quả nghiệm thu cho thấy mô hình hữu cơ đang phát triển tốt.
Thời gian tới, dưới sự tổ chức của HTX, liên kết từ doanh nghiệp, hoạt động sản xuất hữu cơ rau, củ, quả ở HTX Vũ Anh sẽ không ngừng hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng sản xuất cũng như tăng khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng các chuỗi liên kết để ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Đánh giá về mô hình HTX, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trần Văn Toản, cho biết: “HTX Vũ Anh đã phát huy được vai trò chủ đạo của HTX trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Không chỉ xây dựng thương hiệu, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn đến tay người tiêu dùng mà còn bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững cho địa phương”.