Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

HTX Hòa Lộc-Tiền Giang: Sản xuất sạch ở mọi khâu để xoài cát đạt chất lượng cao

(VTC News) -

Ông Nguyễn Văn Thực - Giám đốc Hợp tác xã Hòa Lộc - Tiền Giang chia sẻ về mô hình trồng xoài chất lượng cao đạt chuẩn xuất khẩu và những khó khăn thách thức mới.

Việt Nam là nước có lợi thế về nông nghiệp nên các mô hình phát triển nông nghiệp kiểu Hợp tác xã (HTX) nếu được đầu tư đúng hướng thường sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo điều kiện về công ăn việc làm và ổn định thu nhập cho người dân địa phương.

Hợp tác xã Hòa Lộc - Tiền Giang hiện được xem là một trong những HTX điển hình trong việc đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch với sản phẩm chủ lực là cây ăn trái phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Là một đặc sản nổi tiếng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là một trong những loại trái cây được ưa chuộng bởi màu sắc hấp dẫn, mùi vị thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao, xoài Cát Hòa Lộc có xuất xứ tại ấp Hòa, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

(Ảnh minh họa)

Xoài Cát Hòa Lộc được người dân Nam bộ nói riêng, trong nước nói chung ưa chuộng và đặc biệt đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính và đầy tiềm năng như: Pháp, Mỹ, Canada, Úc, Nhật, Singapore, Trung Quốc...

Xoài cát Hòa Lộc là một trong bảy loại trái cây chủ lực được tỉnh Tiền Giang đầu tư phát triển. Theo đó, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh cũng chọn trái xoài làm bước đột phá cho các loại cây trái còn lại. Song, để phát triển loại trái ngon đặc sản này, muốn nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định đầu ra cho trái xoài, ngoài tiêu thụ trong nước cần đẩy mạnh xuất khẩu.

Để làm được điều này, những người trồng xoài phải bảo đảm quy trình sản xuất đạt chuẩn xuất khẩu và quan tâm phát triển chất lượng vùng trồng, duy trì hiệu quả mã số vùng trồng được cấp.

(Ảnh minh họa)

Thay đổi cách làm để trồng cây đạt chuẩn xuất khẩu

Khác với cách thức trồng xoài thông thường, quy trình sản xuất xoài cát Hòa Lộc của HTX từ bón phân, xử lý thuốc đều theo đúng tiêu chuẩn VietGAP. Việc phun thuốc chỉ được thực hiện từ khi cây ra hoa đổ lại còn từ khi cây có trái, HTX sẽ phải thực hiện kỹ thuật bao trái và tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Để tạo được sản phẩm an toàn, HTX áp dụng kỹ thuật rải vụ thông qua biện pháp tỉa cành, bón phân, kích thích ra ngọn và dưỡng ngọn, kích thích ra hoa và dưỡng hoa… Từ đó, HTX có thể bảo đảm có xoài cung cấp quanh năm cho đối tác.

Mỗi quả xoài sau khi hái xuống đều được phân loại, dán tem truy xuất. Tem truy xuất được xem là giấy cam kết chứng nhận của người sản xuất đối với khách hàng. Sau nhiều năm hoạt động, đến nay, các thành viên của HTX đều tự nâng cao trách nhiệm của trong sản xuất nhằm hướng tới nền nông nghiệp sinh thái bền vững.

Thành lập từ năm 2002, trải qua gần 20 năm hoạt động, HTX Hòa Lộc với những bước đi vững chắc chính là minh chứng cho sự thành công của mô hình kinh tế tập thể cũng như khẳng định giá trị và thương hiệu của trái xoài cát Hòa Lộc trên thị trường trong và ngoài nước.

Đến nay, 20 ha xoài của HTX được chứng nhận VietGAP và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền cho sản phẩm xoài cát Hòa Lộc nhằm đáp ứng yêu cầu pháp lý trong lưu thông, phân phối và quan hệ thương mại trong thời kỳ hội nhập kinh tế. Đây là “bệ đỡ” để sản phẩm của HTX được quảng bá rộng rãi, bảo vệ tính đặc trưng cũng như nâng cao giá trị trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đồng thời, việc HTX Hòa Lộc được cấp mã vùng trồng là “hồ sơ” hàng hóa rất cần thiết, có thể thực hiện truy xuất nguồn gốc khi cần, đây cũng điều kiện để sản phẩm của HTX tìm đường vào thị trường các nước khó tính.

Song song với sản xuất, HTX chú trọng hoàn thiện quy trình khép kín bằng việc đầu tư cải tạo, mở rộng nhà xưởng đóng gói sản phẩm.

Ban giám đốc cũng đầu tư một số thiết bị chuyên dụng và thuê chuyên gia phụ trách về hỗ trợ thành viên. Qua đó, chất lượng trái xoài của HTX từng bước đảm bảo các tiêu chuẩn, tăng giá trị cũng như thời gian bảo quản. Điều này giúp sản phẩm của HTX đáp ứng yêu cầu về chất lượng của các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Trong thời kỳ dịch Covid-19 bùng phát, việc xuất khẩu bị tạm dừng, HTX đã đẩy mạnh liên kết, đưa xoài vào các hệ thống siêu thị và thực hiện bán lẻ để nông dân ổn định đầu ra, an tâm sản xuất.

(Ảnh minh họa)

Những khó khăn để có được những trái xoài đạt chuẩn xuất khẩu

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong việc quản lý vùng trồng xoài cát Hòa Lộc gặp phải một số khó khăn như:

Một số địa phương trong vùng xoài Hòa Lộc còn chưa dành sự quan tâm đúng mức đối với công tác kiểm tra, giám sát và quản lý vùng trồng.

Nhận thức và năng lực kiểm tra, giám sát của cán bộ kỹ thuật địa phương còn chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Nhận thức của người dân ở nhiều vùng được cấp mã số còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu.

Việc quản lý mã số vẫn còn lỏng lẻo, chưa được chú trọng, chưa xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số. Sự liên kết giữa vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã với các cơ quản lý ở địa phương, trung ương để kiểm soát hàng hóa xuất khẩu còn chưa được chặt chẽ.

Đặc biệt, địa phương chưa phân công cho một cơ quan chuyên môn làm đầu mối để thực hiện quản lý, giám sát và hướng dẫn đối với việc kiểm tra và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói. Điều này dẫn tới việc không thống nhất trong quá trình xử lý công việc.

Nông dân, thành viên HTX chưa quan tâm trong việc ghi chép nhật ký vùng trồng; vùng trồng được cấp mã số còn lẫn lộn với các vùng trồng chưa được cấp mã số gây khó khăn cho công tác quản lý, phân loại.

Về phía doanh nghiệp xuất khẩu đã xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp sử dụng không đúng mã số, mạo danh mã số của nhau để xuất khẩu. Điều này không những gây ảnh hưởng đến uy tín hàng trái cây Việt Nam xuất khẩu mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến các đơn vị chủ sở hữu mã số như HTX Hòa Lộc.

Tăng cường mối liên kết với các vùng trồng, các cơ sở đóng gói để kiểm soát hàng hóa xuất khẩu từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói để tránh việc mạo danh mã số, cũng như các hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng mã số.

Chủ động tập huấn cho cán bộ kỹ thuật địa phương về các tiêu chí liên quan đến kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ cấp và quản lý mã số.

Đối với HTX, cần chủ động có các biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo có các cơ quan quản lý khi phát hiện các vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để có phối hợp xử lý. Thông tin thường xuyên với các cơ quan quản lý về vùng trồng, nhà đóng gói cũng như quản lý hàng hóa xuất khẩu từ những mã số của mình.

Các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với các HTX đã được cấp mã số để giữ vững và nâng cao chất lượng nông sản. Kết hợp cấp mã số vùng trồng với thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử cho nông sản sẽ giúp các HTX, doanh nghiệp, nhà vườn, cơ sở đóng gói, hạn chế được tối đa tình trạng “mượn” mã số vùng trồng để xuất khẩu.

Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục chỉ đạo hình thành liên kết chuỗi sản phẩm từ vùng trồng, nhà đóng gói, nhà xuất khẩu, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước để ngăn chặn tình trạng đưa sản phẩm từ ngoài vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói chưa có mã số vùng trồng vào chuỗi sản phẩm và kiểm soát khẩu xuất khẩu.

Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát lại hiện trạng cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và việc sử dụng mã số tại các địa phương để làm cơ sở đánh giá thực trạng quản lý và sử dụng các mã số vùng trồng đã cấp.

Cục Bảo vệ thực vật chủ động làm việc với cơ quan kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu để cùng thảo luận các biện pháp phối hợp trao đổi thông tin trong quản lý các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói khi tình hình dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát.

Cục Bảo vệ thực vật cũng sẽ chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các quy định của các nước nhập khẩu để chủ động triển khai kế hoạch sản xuất.

Cần phân biệt mã số vùng trồng của từng địa phương, tránh việc nhầm lẫn, lẫn lộn, mượn danh xoài cát Hòa Lộc đã được cấp chỉ dẫn địa lý của tỉnh.

Tại địa phương, cần phân công cụ thể cán bộ và cơ quan đầu mối trong quản lý, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số.

Địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ nông dân. Một trong những yêu cầu để duy trì được sự liên kết giữa nông dân, HTX với doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu là việc tạo được vùng trồng nguyên liệu có mã số lớn, tạo ra lượng hàng hóa thường xuyên.

Trong thời gian tới, HTX Hòa Lộc sẽ xây dựng những vườn chuyên canh xoài cát Hòa Lộc kiểu mẫu để các thành viên học tập, rút kinh nghiệm từ đó phát triển vùng trồng ngày càng lớn mạnh. Đây cũng là nền tảng để HTX mở rộng sang lĩnh vực du lịch xanh gắn với nông nghiệp.

PV

Tin mới