Thực hiện nỗ lực quốc gia nhằm giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với mức năm 2020, ngày 5/8/2022, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030.
Để thực hiện mục tiêu trên, năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành kế hoạch nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ô-zôn, Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Việt Nam đã cam kết giảm phát thải khí mê tan 30% so với năm 2020 đến năm 2030. Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối thực hiện kế hoạch hành động này. Xin ông cho biết, đến thời điểm hiện tại, việc triển khai kế hoạch này đã được triển khai như thế nào?
TS. Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ô-zôn, Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Như chúng ta đã biết, tại COP26 năm 2021, Việt Nam chính thức cam kết tham gia vào nỗ lực toàn cầu giảm phát thải khí mê tan. Cam kết này đặt ra mục tiêu giảm 30% lượng phát thải khí mê tan so với mức phát thải năm 2020.
Theo tính toán, vào năm 2020, tổng lượng phát thải khí mê tan của Việt Nam xấp xỉ 4 triệu tấn, tương đương với khoảng 107 triệu tấn CO2. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 45%, tiếp theo là khí đốt và các nguyên liệu hóa thạch với khoảng 20%, trong khi chăn nuôi cũng chiếm khoảng 20%. Ngoài ra, quản lý chất thải cũng góp một phần đáng kể trong tổng phát thải khí mê tan, một phần nhỏ từ hoạt động khai thác than và dầu khí.
Trước khi tham gia cam kết này, chúng tôi đã tiến hành đánh giá xác định các biện pháp cụ thể để có thể thực hiện cam kết giảm phát thải khí mê tan. Ngày 5/8/2022, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030. Trong quyết định này nêu ra các biện pháp và mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực, bao gồm khai thác than, khai thác khí đốt, nông nghiệp, chăn nuôi và quản lý chất thải.
Với kế hoạch này, chúng tôi đã đặt ra các mục tiêu cụ thể để giảm 30% lượng phát thải khí mê tan so với mức năm 2020. Đến nay, những biện pháp đã được triển khai trên thực tế mang lại nhiều kết quả tích cực. Các cơ quan chức năng, cộng đồng và doanh nghiệp đang tích cực triển khai các biện pháp giảm phát thải trong từng lĩnh vực, từ nâng cao hiệu quả quản lý chất thải cho đến cải tiến quy trình sản xuất nông nghiệp.
- Hiện nay, chúng ta đã triển khai những giải pháp cụ thể nào cho từng lĩnh vực?
Chúng tôi đã xây dựng một kế hoạch hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải. Kế hoạch này không chỉ tập trung vào việc giảm phát thải khí mê tan mà còn bao gồm một loạt các hoạt động quản lý chất thải khác nhau.
Các biện pháp cụ thể trong kế hoạch bao gồm thu gom chất thải, phân loại rác tại nguồn, và xử lý nước thải bằng công nghệ tiên tiến. Những phương pháp này đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả quản lý chất thải.
Bên cạnh đó, chúng tôi đang triển khai các phương pháp xử lý chất thải như đốt để tạo ra điện năng và sản xuất năng lượng tái tạo. Các biện pháp như ủ phân hữu cơ (compost) và sử dụng khí sinh học (biogas) đã được áp dụng rộng rãi. Những hoạt động này không chỉ giúp giảm lượng phát thải khí mê tan trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải mà còn cho phép thu hồi khí mê tan trong quá trình xử lý nước thải và sản xuất biogas thành năng lượng.
Các phương pháp này đang được nhiều hộ gia đình và cộng đồng áp dụng trên toàn quốc. Từ năm 2021 đến nay, chúng tôi không chỉ đạt được mục tiêu mà còn vượt qua kế hoạch đã cam kết.
Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề nguồn vốn và nhận thức của cộng đồng còn hạn chế. Để thực hiện tốt hơn kế hoạch giảm phát thải khí mê tan và khí nhà kính nói chung trong lĩnh vực quản lý chất thải, chúng tôi cần có những biện pháp nâng cao nhận thức và cải thiện tình hình này trong thời gian tới.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, một trong những giải pháp chính để giảm phát thải khí mê tan là nâng cao hiệu quả trong canh tác lúa. Hiện chúng tôi đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai dự án "Một triệu hecta lúa chất lượng cao". Qua đó, mức độ giảm phát thải khí mê tan có thể đạt từ 25-30%. Với quy mô của dự án này, ngành nông nghiệp hoàn toàn có khả năng đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Đề án 1 triệu triệu hecta lúa chất lượng cao có thể giảm phát thải khí mê tan đạt 25-30%.
Đối với lĩnh vực khai thác than và khí đốt, nhiều công ty cũng đang tích cực đầu tư vào công nghệ thu hồi khí mê tan trong quy trình khai thác. Việc thu hồi này không chỉ giúp giảm phát thải mà còn tạo ra nguồn năng lượng có thể sử dụng và bán được, điều này góp phần vào sự phát triển kinh tế chung.
Trong ngành chăn nuôi, mặc dù tỷ lệ đóng góp vào tổng phát thải khí mê tan của lĩnh vực này chỉ chiếm khoảng 15-20%, nhưng vẫn có tiềm năng lớn để giảm phát thải. Nhiều cơ sở chăn nuôi đang triển khai các giải pháp quản lý chất thải vật nuôi. Đặc biệt, phát thải khí mê tan từ chăn nuôi bò chủ yếu đến từ quá trình ợ hơi. Việc thay đổi khẩu phần ăn cho vật nuôi đã chứng minh hiệu quả, giúp giảm đến 40% lượng phát thải khí mê tan trong chăn nuôi bò ở một số doanh nghiệp.
Đối với các hoạt động chăn nuôi gia súc lớn khác, giảm phát thải khí mê tan chủ yếu tập trung vào việc quản lý chất thải. Rất nhiều công ty đã áp dụng các biện pháp xử lý sinh học, sử dụng biogas để xử lý chất thải vật nuôi, đồng thời thu hồi khí mê tan từ các bể biogas.
Tuy nhiên, một thách thức lớn trong ngành chăn nuôi là sự phân chia nhỏ lẻ giữa các hộ chăn nuôi. Phần lớn các hộ chăn nuôi cá thể không đủ điều kiện để áp dụng công nghệ mới hay các giải pháp hiệu quả. Do đó, chúng tôi cần thời gian và nguồn lực để vận động và đầu tư cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, giúp nâng cao hiệu quả giảm phát thải khí mê tan trong ngành chăn nuôi.
- Xin ông cho biết định hướng và giải pháp tiếp theo để đạt mục tiêu giảm 30% tổng lượng phát thải khí mê tan so với năm 2020?
Đến thời điểm này, với các tính toán sơ bộ, chúng tôi nhận thấy rằng trong các lĩnh vực khác nhau, chúng ta đã đạt được những kết quả khả quan theo lộ trình giảm phát thải khí mê tan đến năm 2030. Tôi tin rằng giai đoạn từ 2025 đến 2030 sẽ là thời điểm quan trọng để chúng ta tăng tốc thực hiện không chỉ trong việc giảm phát thải khí mê tan mà còn cả các loại khí nhà kính khác.
Từ sau năm 2025, phân loại chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là sảnphẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học, sẽ trởthành bắt buộc theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Do vậy, việc ápdụng bắt buộc hoạt động thu gom và phân loại rác thải từ nguồn sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm phát thải khí mê tan nói riêng, cũng như giảm phátthải khí nhà kính nói chung trong lĩnh vực quản lý chất thải.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, các chương trình như Đề án "Một triệu hecta lúa chất lượng cao" cùng với các hoạt động cải tiến công nghệ canh tác sẽ đóng góp lớn trong nỗ lực giảm phát thải khí mê tan. Ngoài ra, các hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, khai thác dầu khí và than đá cũng sẽ được đẩy mạnh hơn nữa với sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế.
Với những tiềm năng hiện có, cùng với định hướng rõ ràng và nhận thức ngày càng nâng cao trong cộng đồng về quản lý chất thải và hoạt động canh tác, tôi tin rằng Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu của mình trong việc giảm phát thải khí mê tan, góp phần vào các cam kết toàn cầu trong việc chống biến đổi khí hậu.