Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hong Kong làm gì để thoát làn sóng COVID-19 thứ 5 khốc liệt?

(VTC News) -

Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, Hong Kong đã trở thành một trong nơi bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất.

Đáng chú ý, trước đó, đặc khu này luôn nằm trong top các khu vực kiểm soát đại dịch tốt nhất.

Dịch bệnh bùng phát ở Hong Kong khiến số người chết tăng vọt, hệ thống y tế bị quá tải, và khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về cách thức nhà chức trách ứng phó với dịch bệnh hiện nay.

Hiện chính quyền Hong Kong vẫn đang áp dụng chiến lược “không COVID” giống như Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, ngày 17/3 vừa qua, nhà lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam đã ám chỉ rằng Hong Kong có thể sẽ nới lỏng một số hạn chế để giữ vững vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của đặc khu hành chính này.

Người dân đi bộ trên một con phố ở Causeway Bay, Hong Kong (Trung Quốc). (Ảnh: Reuters)

Theo các chuyên gia y tế, với số ca nhiễm dao động khoảng 30.000 ca/ngày trong tổng số 7,4 triệu dân, Hong Kong cần phải đưa ra một chiến lược đối phó với dịch bệnh rõ ràng, học cách sống chung với virus thay vì cố gắng loại bỏ nó.

Trong những tuần gần đây, Hong Kong là nơi ghi nhận tỷ lệ tử vong vì COVID-19 trên một triệu người cao nhất thế giới, gấp hơn 24 lần so với Singapore. Giới chức y tế Hong Kong cho biết gần 90% ca tử vong trong đợt bùng phát dịch lần thứ năm này là những người chưa tiêm chủng, hầu hết trên 60 tuổi.

Theo các chuyên gia, điều này có lẽ sẽ không xảy ra nếu giới chức Hong Kong khuyến khích người dân thực hiện tiêm chủng và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực y tế trong việc đối phó với đại dịch.

Những thông điệp mâu thuẫn từ chính quyền Hong Kong cũng các lệnh hạn chế gây gián đoạn nghiêm trọng các hoạt động kinh doanh và làm thiệt hại nền kinh tế của đặc khu trong vòng 2 năm qua đã khiến doanh nghiệp và người dân cảm thấy không thoải mái.

"Hong Kong chắc chắn chưa sẵn sàng để khôi phục các hoạt động bình thường giữa đợt bùng phát dịch thứ năm này, nhưng hãy xem liệu chúng tôi có thể chuẩn bị tốt hơn cho việc phục hồi trạng thái bình thường đó hay không", Gabriel Leung, Trưởng khoa Y tại Đại học Hong Kong, cho biết.

Ông Leung nói thêm Hong Kong cần quyết định xem họ sẽ tiếp tục chính sách "không COVID" hay cố gắng sống chung với đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh đặc hữu. Theo nghiên cứu mới nhất của Đại học Hong Kong, có thể có khoảng một 1/2 cư dân của đặc khu bị mắc COVID-19.

Theo các chuyên gia, ngay cả khi chính quyền Hong Kong quyết định duy trì chính sách “không COVID” bằng cách xét nghiệm hàng loạt và truy vết trên diện rộng, thì cuối cùng vẫn phải chuyển sang thích ứng với việc sống chung với virus. Biện pháp quan trọng nhất với Hong Kong lúc này là tăng tỷ lệ tiêm chủng từ 80% lên trên 90%, đồng thời bảo vệ những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là người cao tuổi. Hiện chỉ có 56% số những người trên 80 đã được tiêm chủng.

Tiến sĩ Siddharth Sridhar, chuyên gia về vi sinh vật học tại Đại học Hong Kong, cho hay: “Các đợt bùng phát dịch trong tương lai có thể sẽ ít nghiêm trọng hơn khi người dân có khả năng miễn dịch chống lại virus từ việc tiêm vaccine. Điều này mang lại cho chúng tôi những cơ hội mở cửa và thiết lập các lệnh hạn chế đi lại hợp lý hơn so với trước đó".

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát vào năm 2020, Hong Kong đã thực hiện các biện pháp cứng rắn nhất để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Nhà dịch tễ học Ben Cowling cho biết, có thể nới lỏng dần các biện pháp giãn cách xã hội, như cấm tụ tập trên 2 người ở nơi công cộng, đóng cửa hầu hết các địa điểm tập trung đông người và cấm các nhà hàng ăn uống hoạt động sau 18h.

Hong Kong cũng có thể noi gương Singapore để sau "ba đến sáu tháng, khi nới lỏng tất cả các biện pháp giãn cách đó, các cá nhân sẽ phải có trách nhiệm với những rủi ro của mình và chính quyền không cần phải đưa các chính sách chung cho toàn thể người dân".

CTV Khánh Linh (VOV.VN)

Tin mới