Theo thông tin từ Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, trong 401 người làm công tác quản lý bảo vệ rừng từ năm 2018 đến hết tháng 8/2023 xin nghỉ việc có 6 kiểm lâm; 222 người làm việc tại các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ và 173 người làm việc tại các Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp.
Rừng trồng ở huyện Kon Plông bị cháy (Ảnh chụp tháng 4/2020).
Tình trạng người làm công tác quản lý bảo vệ rừng không mặn mà với nghề, xin nghỉ việc được Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum xác định do môi trường làm việc nặng nhọc, áp lực về trách nhiệm và chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng.
Cụ thể, lực lượng kiểm lâm hiện hưởng lương 8h/ngày song phải chịu trách nhiệm về diện tích rừng địa bàn quản lý là 24/24 giờ. Do lực lượng mỏng nên các ngày nghỉ, ngày lễ người lao động vẫn phải trực và chịu trách nhiệm về diện tích rừng quản lý.
Công việc thường ngày của lực lượng bảo vệ rừng phải lao động ngoài trời, đi tuần tra bảo vệ rừng, phòng chống cháy rất nặng nhọc, nguy hiểm nhưng lại chưa được quy định trong danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại.
Hiện cũng chưa có quy định rõ về chức năng, quyền hạn, chế độ, chính sách của lực lượng chức năng bảo vệ rừng.
Trước tình trạng người làm công tác quản lý bảo vệ rừng không mặn mà với nghề, xin nghỉ việc, được biết UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản kiến nghị với Chính phủ có chính sách đặc thù cho lực lượng kiểm lâm nói riêng và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách nói chung.
Cùng với đó UBND tỉnh Kon Tum cũng đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng lập phương án khoán rừng và đất lâm nghiệp để người lao động nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, đồng thời phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập để gắn bó với rừng, yên tâm công tác.