Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hơn 40 quan chức từ chức, chính trường Anh 'rối như tơ vò'

(VTC News) -

Thủ tướng Anh Boris Johnson đang đối mặt với áp lực từ chức khi có hơn 40 thành viên chính phủ nước này từ chức trong hai ngày qua.

Chính trường nước Anh đang "rối như tờ vò" sau khi loạt thành viên nội các từ chức. Áp lực từ chức đối với Thủ tướng Boris Johnson được đẩy lên cao trào, thậm chí báo chí Anh còn giật tít mạnh mẽ với những ngôn từ cho thấy tương lai không mấy sáng sủa đối với ông Johnson như "đã xong", "trò chơi kết thúc".

Loạt quan chức từ chức

Hôm 6/7, loạt các thành viên Chính phủ Anh gồm 8 Bộ trưởng cùng các thứ trưởng cũng như trợ lý bộ trưởng trong chính phủ Anh đã ồ ạt nộp đơn từ chức. Lý do không còn niềm tin vào năng lực lãnh đạo của Thủ tướng Anh Boris Johnson. 

Nhiều Bộ trưởng Anh đồng loạt từ chức. (Ảnh: CNN)

Trước đó một ngày, hai trong số các bộ trưởng cao cấp nhất trong nội các Anh từ chức. Theo đó, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, Bộ trưởng Y tế và Chăm sóc xã hội Anh Sajid Javid đã đệ đơn từ chức sau khi ông Johnson xin lỗi về vụ bê bối mới nhất liên quan đến các cáo buộc về hành vi quấy rối tình dục và say xỉn quá mức của một nhà lập pháp đảng Bảo thủ.

Quyết định này của các quan chức chính quyền Anh giáng mạnh vào uy tín của ông Johnson. Các bộ trưởng và phụ tá, bao gồm cả các thành viên cấp cao trong Nội các Anh giờ đây không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Thủ tướng Boris Johnson sau một loạt vụ bê bối.

Đơn từ chức của Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, Bộ trưởng Y tế và Chăm sóc xã hội Anh Sajid Javid gây nhiều chú ý bởi đây là hai nhân vật quan trọng trong điều hành, thực thi chính sách Chính phủ Anh. Hai người này cũng được đánh giá có nhiều khả năng thay thế ông Johnson.

Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak chịu trách nhiệm xử lý cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt mà hàng triệu người Anh đang phải đối mặt. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế và Chăm sóc xã hội Anh Sajid Javid dẫn đầu chiến dịch ứng phó với đại dịch COVID-19 của nước Anh.

Bộ trưởng Rishi Sunak và Sajid Javid đã dành những lời lẽ mạnh mẽ dành cho Thủ tướng Boris Johnson trong đơn từ chức.

“Công chúng mong muốn chính phủ được vận hành hợp lý, nghiêm túc và hiệu quả. Tôi nhận thấy đây có lẽ là cương vị bộ trưởng cuối cùng mình đảm nhiệm, song tôi tin những tiêu chuẩn này xứng đáng để đấu tranh và đó là lý do vì sao tôi từ chức”, Bộ trưởng Rishi Sunak cho biết.

Ông Rishi Sunak cũng ngụ ý rằng Thủ tướng Johnson không sẵn sàng trung thực với công chúng về các chi phí ổn định nền kinh tế Anh, vốn đang phải đối mặt với lạm phát. 

Trong đơn từ chức của mình, Bộ trưởng Sajid Javid viết rằng mặc dù ông Johnson đã "sống sót" sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tháng trước, nhưng đảng Bảo thủ không còn thể hiện năng lực hoặc hành động vì lợi ích quốc gia.

“Đối với tôi rõ ràng là tình hình này sẽ không thay đổi dưới sự lãnh đạo của của ông Johnson. Ông ta đã đánh mất niềm tin của tôi”, Bộ trưởng Sajid Javid cho hay.

Đơn từ chức đột ngột của các quan chức trong Chính phủ Anh gây ra sự rạn nứt trong nội bộ Anh. Điều này diễn ra vào thời điểm ông Johnson đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng kinh tế khi lạm phát gia tăng kỷ lục, trong khi cá nhân dính líu đến bê bối tiệc tùng trong thời điểm giãn cách xã hội.

Áp lực từ nhiệm gia tăng với ông Johnson 

Sau đơn từ chức của Rishi Sunak và Sajid Javid, ông Johnson đã nhanh chóng thông báo về những người thay thế. Điều đó cho thấy nhà lãnh đạo Anh đang cố gắng ổn định chính phủ và duy trì vị trí của mình. Tuy nhiên, vị Thủ tướng vẫn đang đối mặt biến cố chính trị lớn hơn bất kỳ thời điểm nào trong suốt nhiệm kỳ 3 năm đầy sóng gió ở Phố Downing.

Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: Getty) 

Ông Johnson lên nắm quyền với lời hứa “hoàn tất Brexit". Đảng Bảo thủ của ông đã giành được đa số tại Nghị viện trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, ông đã đánh mất niềm tin của công chúng trong thời gian gần đây. Trong cuộc thăm dò mới nhất của YouGov, 69% người Anh nói rằng ông Johnson nên từ chức, và nhiều thành viên trong đảng của ông đồng ý với điều này. 

Một trong những đồng minh chính trị thân cận nhất với ông Boris Johnson là ông Michael Gove - nguyên Chánh Văn phòng nội các và hiện giữ chức Bộ trưởng về bình đẳng cơ hội, nhà ở và cộng đồng, cũng đã lên tiếng khuyên ông Boris Johnson “nên ra đi”. Điều này khiến Thủ tướng Anh trong tối 6/7 ra quyết định cách chức ông Gove với lí do “thiếu trung thành với Thủ tướng”. 

Dù phải đối mặt với khủng hoảng chính trị lớn nhất kể từ khi lên nắm quyền song khi xuất hiện tại Nghị viện Anh chiều 6/7, ông Boris Johnson vẫn tranh luận gay gắt và tuyên bố quyết không từ chức vì đã được cử tri Anh lựa chọn năm 2019 nên sẽ dẫn dắt đến hết nhiệm kỳ.

Trong các cuộc gặp sau đó với nhóm các bộ trưởng vừa từ chức cũng như với Uỷ ban liên lạc của Nghị viện, ông Johnson cũng khẳng định không có ý định từ nhiệm, bất chấp sức ép lớn thế nào, đồng thời nêu các lí do để tiếp tục nắm quyền.

Ông Johnson cho biết: “Tôi nhìn vào những vấn đề mà nước Anh đang phải đối mặt, nhìn vào những sức ép mà người dân đang phải chịu đựng và việc chính phủ cần thiết phải tập trung vào những ưu tiên của người dân, tôi cũng nhìn vào cuộc chiến lớn nhất tại châu Âu trong gần 80 năm qua, nên sẽ là vô trách nhiệm nếu cứ thế bỏ đi vào lúc này”.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng để ngỏ lời đe dọa có thể tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn nếu chính trường Anh rơi vào tình trạng bế tắc. 

Mới đây, Thủ tướng Boris Johnson "thoát hiểm" trong bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra hôm 6/6. Cuộc bỏ phiếu được tổ chức sau khi có hơn 54 nghị sỹ đảng Bảo thủ cầm quyền yêu cầu tổ chức bỏ phiếu lấy tín nhiệm đối với ông Johnson.

Ông Boris Johnson liên tục đối mặt cáo buộc tiệc tùng giữa lúc Anh áp lệnh phong tỏa vì COVID-19 vào năm ngoái. Truyền thông Anh đăng tải loạt ảnh ông cùng các nhân viên vi phạm quy tắc chống dịch COVID-19.

Hồi tháng 4, Thủ tướng Boris Johnson cũng phải lên tiếng xin lỗi trước Quốc hội Anh sau khi trở thành lãnh đạo Anh đầu tiên bị phạt vì vi phạm quy định liên quan lệnh phong tỏa ngăn COVID-19.

Kông Anh (Tổng hợp)

Tin mới