Đó là trường hợp của 2 cựu giáo chức Phạm Thị Tùy và Đỗ Thị Lan (cựu giáo viên Trường THPT Phan Bội Châu, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam).
Hơn 30 năm đứng lớp, mòn mỏi chờ phụ cấp thâm niên
6 năm nay, cô Phạm Thị Tùy (cựu giáo viên dạy môn giáo dục công dân) mang trong mình nỗi hờn tủi sau quãng thời gian 32 năm cống hiến vì sự nghiệp “trồng người” mà không nhận được phụ cấp thâm niên.
Cô Tùy kể, năm 1975, khi giảng dạy môn Văn tại một trường THCS ở tỉnh Thái Bình, cô được điều động chi viện cho sự nghiệp giáo dục tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ). Thời điểm này, cô Tùy được phân công dạy tại trường bổ túc văn hóa.
Năm 1991, cô chuyển sang công tác ở trường THPT Phan Bội Châu và đảm nhận giảng dạy môn Giáo dục công dân.
6 năm nay, cô Tùy mang nỗi hờn tủi vì không được nhận phụ cấp thâm niên.
Sau 32 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, năm 2006, cô nghỉ hưu.
Trong suốt quãng thời gian dài đứng lớp, cô Tùy là giáo viên thuộc diện biên chế Nhà nước và đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội.
“Năm 2013, tức 7 năm sau ngày tôi về hưu, tôi có xem qua quyết định các cựu giáo viên sẽ được nhận chế độ phụ cấp thâm niên. Căn cứ vào quyết định này, tôi ước tính mình có thể nhận được số tiền khoảng gần 12 triệu đồng. Tuy nhiên, 6 năm qua, tôi mỏi mòn chờ đợi vẫn không thấy Nhà nước chi trả”, cô Tùy nói.
Cùng hoàn cảnh với cô Tùy, một cựu giáo viên khác của Trường THPT Phan Bội Châu là cô Đỗ Thị Lan (giáo viên về hưu năm 2011) luô thắc mắc vì sao không nhận được phụ cấp suốt 6 năm qua.
Trường hợp của cô Lan đặc biệt hơn khi cô là một trong số những giáo viên đầu tiên của Trường THPT Phan Bội Châu. Cô Lan làm việc từ ngày trường mới thành lập (năm 1980) và trải qua quãng thời gian 32 năm đứng lớp giảng dạy môn Sinh.
Trường THPT Phan Bội Châu - nơi cô Lan và cô Tùy có quãng thời gian dài công tác.
Theo cô Lan, đầu tháng 2/2011, cô nhận quyết định nghỉ hưu. Đến nay, cựu giáo chức một đời tận tụy “đưa đò” này không nhận được bất kì một đồng nào từ việc chi trả phụ cấp thâm niên.
Cô Lan quả quyết, trường hợp của cô hoàn toàn đáp ứng các quy định thuộc Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg về chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu.
“Với thâm niên 32 năm đi dạy, những tưởng tôi sẽ được chi khoản tiền khoảng 15 triệu đồng phụ cấp thâm niên. Số tiền dù không nhiều nhưng đó là nguồn khích lệ, an ủi vô cùng lớn lao cho những nhà giáo một thời sống nhờ đồng lương ba cọc ba đồng như tôi”, cô Lan ngậm ngùi chia sẻ.
Nhập nhằng giữa trường công lập và bán công
Những thắc mắc của cô Tùy và cô Lan đã được gửi tới Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam để được giải đáp.
Cụ thể, trường hợp của cô Tùy, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam thông báo lý do cô không được nhận phụ cấp thâm niên là vì cô dạy ở trường bán công.
Còn đối với khiếu nại của cô Lan, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam nêu rõ: Đối tượng hưu trí nguyên là giáo viên trường công lập, đã chuyển sang hệ bán công trước khi nghỉ hưu nên chưa có văn bản cụ thể.
Theo tìm hiểu của PV VTC News, Trường THPT Phan Bội Châu nơi cô Tùy và cô Lan giảng dạy, buổi ban đầu mới thành lập là ngôi trường hệ công lập. Đến 1993, trường chuyển sang hệ bán công và sau 16 năm, bắt đầu từ năm học 2010, trường lại chuyển sang hệ công lập.
Từ năm 1993, Trường THPT Phan Bội Châu chuyển từ hệ công lập sang hệ bán công. Đến năm học 2010, ngôi trường này lại chuyển sang hệ công lập.
Như vậy, cô Tùy cũng đã có thời gian 2 năm dạy ở ngôi trường thuộc hệ công lập (giai đoạn 1991-1993). Trong khi đó, thời gian cô Lan dạy ở trường thuộc hệ công lập lên tới 14 năm. Đặc biệt thời điểm cô nghỉ hưu, trường đang ở hệ công lập.
“Quyết định nêu rất rõ, đối tượng áp dụng là nhà giáo nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập. Như vậy, không hiểu tại sao tôi lại không được nhận phụ cấp thâm niên”, cô Lan giãi bày.
Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng (Trưởng Phòng chế độ bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam) cho hay, đến thời điểm hiện tại, Phòng chế độ bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam đã tiếp nhận khoảng 1.900 hồ sơ và đã giải quyết được 1.830 trường hợp.
70 hồ sơ còn lại, trong đó có trường hợp của cô Tùy, cô Lan và hàng chục giáo viên khác tại địa phương chưa được giải quyết. “Lý do là những giáo viên này đều nằm ngoài Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg.
Hiện nay, chưa có một hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan để giải quyết phụ cấp thâm niên cho các giáo viên tại thời điểm nghỉ hưu giảng dạy ở các trường công lập nhưng trước đó có thời gian công tác ở trường bán công, hoặc tại thời điểm nghỉ hưu giảng dạy ở trường bán công”, ông Hùng lý giải.
Cũng theo vị đại diện Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam, vấn đề của những cựu giáo viên như trường hợp cô Lan sẽ được chuyển đến Sở GD-ĐT để tìm hướng giải quyết.
Ngày 30/8/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu.
Đối tượng áp dụng là nhà giáo nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm, tàu huấn luyện của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học công lập (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục công lập).
Nhà giáo quy định tại Điều 2 Quyết định này được hưởng chế độ trợ cấp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Có thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành tại các cơ sở giáo dục công lập từ đủ 5 năm (đủ 60 tháng) trở lên.
2. Nghỉ hưu (kể cả trường hợp chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu) trong khoảng thời gian từ ngày 11 tháng 11 năm 1994 đến ngày 31 tháng 5 năm 2011.
3. Đang hưởng lương hưu tại thời điểm ngày 1 tháng 1 năm 2012. Trường hợp đang tạm dừng hưởng lương hưu theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội thì được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu.