Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng báo cáo Quốc hội sáng 22/5.
Theo đó, nguồn vốn sơ bộ tổng mức đầu tư cho dự án là khoảng 25.540 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước tham gia là 12.770 tỷ đồng, gồm ngân sách Trung ương 10.536,5 tỷ đồng và 2.233,5 tỷ đồng tiền ngân sách địa phương. Vốn từ nhà đầu tư thu xếp khoảng 12.770 tỷ đồng.
Theo quy hoạch, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Đây là trục giao thông quan trọng, kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ và TP.HCM. Dự kiến giải phóng mặt bằng năm 2024 và năm 2025; thi công xây dựng từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành năm 2026.
"Việc đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên", Bộ trưởng GTVT đánh giá.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng. (Ảnh: quochoi.vn)
Phạm vi đầu tư của dự án khoảng 128,8km, trong đó tuyến đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông dài 27,8 km; qua địa phận tỉnh Bình Phước dài 101km (bao gồm 2km kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa).
Về quy mô đầu tư, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có quy mô 6 làn xe, giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh. Tốc độ thiết kế 100 - 120 km/h.
Để xây dựng dự án, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.111 ha (tỉnh Đắk Nông khoảng 261ha; tỉnh Bình Phước khoảng 850ha). Số hộ bị ảnh hưởng khoảng 1.229 hộ.
Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dự kiến hoàn thành vào năm 2026. (Ảnh minh họa)
Trước báo cáo của Bộ GTVT, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ sự nhất trí với việc đầu tư xây dựng dự án trên.
"Việc đầu tư dự án sẽ từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa, thuận lợi kết nối với cảng Hàng không quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh", Ủy ban kinh tế nhận định.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Bộ GTVT phân tích rõ hơn các chi phí thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đặc biệt chi phí liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lúa của dự án.
Đối với vốn ngân sách địa phương khoảng 2.233,5 tỷ đồng, Ủy ban Kinh tế đề nghị các địa phương cam kết chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc bố trí nguồn ngân sách địa phương cho dự án thực hiện bảo đảm tiến độ.
Có ý kiến cho rằng, hai địa phương này hiện chưa tự cân đối được ngân sách, hàng năm vẫn nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương, do vậy việc cam kết bố trí vốn ngân sách địa phương như dự kiến sẽ rất khó khăn, đề nghị phải có giải pháp cụ thể hơn.