Thông tin với báo chí chiều 14/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam khoảng hơn 200.000 liều vaccine 5 trong 1 cho trẻ em, cùng với nguồn tài trợ trong nước khoảng hơn 65.000 liều.
Bà Lan cho biết, theo rà soát các loại vaccine sản xuất trong nước hiện vẫn còn đủ cho nhu cầu sử dụng. Riêng vaccine 5 trong 1 là vaccine nhập khẩu, một số địa phương thiếu vaccine này từ cuối tháng 2, đầu tháng 3 đến nay.
Hiện, Chính phủ đã quyết định giao Bộ Y tế chủ động xây dựng phương án giá, gửi sang Bộ Tài chính để thẩm định sớm. Đây là căn cứ cho đặt hàng vaccine 5 trong 1. Trong thời gian triển khai và chờ mua vaccine theo ngân sách Nhà nước, Bộ Y tế đã làm việc với các đối tác, tìm các nguồn vaccine đang thiếu.
Tiêm ngừa vaccine cho trẻ nhỏ ở TP.HCM. (Ảnh: Sở Y tế TP.HCM)
Giai đoạn 2021 - 2022, Bộ Y tế được giao nguồn dự toán từ ngân sách Trung ương, thực hiện mua sắm cho chương trình mua sắm vaccine. Tuy nhiên, đến năm 2023, do chương trình mục tiêu y tế - dân số chuyển thành chương trình chi thường xuyên của các địa phương nên theo quy định Luật Đầu tư công, Bộ Y tế không còn được phân bổ ngân sách Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ này.
Bà Lan nhấn mạnh, không có hiện tượng Bộ Y tế đùn đẩy trách nhiệm xuống địa phương hay căn bệnh sợ trách nhiệm lan tới Bộ. Với trách nhiệm của ngành, Bộ Y tế rất mong muốn được tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này để bảo đảm tiêm chủng trên toàn quốc, bảo đảm công bằng cho phụ nữ và trẻ em.
Trước đó, thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 15/5, các cơ sở tiêm chủng hết hoàn toàn vaccine DPT-VGB-HiB và DPT. Đây là vaccine 5 trong 1, có khả năng phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib. Vaccine này được cấp lần gần nhất vào tháng 10/2022, đã hết từ đầu tháng 3/2023. Nhiều địa phương khác cũng trong tình cảnh tương tự.
Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF). Mục tiêu của chương trình là cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, bảo vệ trẻ khỏi mắc 6 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao.
Việc tiêm chủng vaccine có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nếu duy trì tỷ lệ cao về tiêm chủng mở rộng sẽ tạo được miễn dịch trong cộng đồng. Đến năm 2010, đã có 11 vaccine phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm cho trẻ em được đưa vào chương trình. Cụ thể gồm: phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib.