Đại diện Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC) cho biết, 10h sáng nay 24/2, chuyến bay chở lô vaccine AstraZeneca về tới Việt Nam.
Theo đại diện VNVC, đây là lô đầu tiên trong hợp đồng được ký kết 3 bên giữa đơn vị này với AstraZeneca và Bộ Y tế. Sau khi thông quan, lô vaccine này chuyển thẳng tới kho đông lạnh của VNVC tại đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP.HCM để bảo quản.
Vaccine lần này được vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam với số lượng hơn 117.000 liều. Số vaccine trên dự kiến sẽ ưu tiên tiêm cho những người nguy cơ cao, với khoảng hơn 50.000 người, mỗi người tiêm 2 mũi.
Ngay trong chiều nay, Bộ Y tế sẽ họp khẩn về việc kiểm định chất lượng và dự kiến các phương án sẽ tiêm cho những đối tượng có nguy cơ cao.
(Ảnh minh hoạ)
AstraZeneca là vaccine phòng COVID-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Đây là vaccine do Công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển. Vaccine sử dụng vector virus mất khả năng sao chép được tạo ra từ chủng virus gây cúm thông thường tinh tinh được làm suy yếu (adenovirus), chứa vật chất di truyền của protein gai trên bề mặt virus SARS-CoV-2.
Sau khi tiêm vaccine, protein gai bề mặt được sản xuất, kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công virus SARS-CoV-2 nếu cơ thể bị nhiễm virus sau đó.
Vaccine AstraZeneca có thể được lưu trữ, vận chuyển và xử lý ở điều kiện lạnh thông thường (2-8 độC) trong ít nhất 6 tháng, cho phép sử dụng dễ dàng trong điều kiện cơ sở y tế hiện có.
Vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca được cấp phép có điều kiện hoặc phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp ở gần 50 quốc gia, trải dài trên bốn châu lục bao gồm Liên minh châu Âu (EU), một số quốc gia Mỹ Latinh, Ấn Độ, Moroco và Vương quốc Anh.
Theo kế hoạch, năm nay Việt Nam sẽ có khoảng 60 triệu liều vaccine AstraZeneca. Trong đó, 30 triệu liều từ chương trình hỗ trợ của COVAX. 30 triệu liều còn lại là hợp đồng ký kết kết giữa VNVC và AstraZeneca.
Hiện, Bộ Y tế đã ban hành quyết định kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine phòng COVID-19 của COVAX với 11 đối tượng ưu tiên trong đó có nhân viên y tế, Nhân viên tham gia phòng chống dịch; nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; lực lượng công an; lực lượng quân độI; giáo viên; người trên 65 tuổi; nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước...; người mắc các bệnh mãn tính; người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.